Luật Luật sư: Luật sư sẽ hết bị hành

07/09/2006 16:18 GMT+7

Như Thanh Niên đã thông tin, Chủ tịch nước vừa công bố nhiều luật mới đã được Quốc hội khoá XI thông qua. Trong số này, đáng chú ý nhất là Luật Luật sư được đông đảo giới luật sư (LS) trên cả nước đặc biệt quan tâm bởi những quy định mới của Luật LS sẽ giúp cho hàng ngàn LS thoát khỏi hàng loạt vấn đề vướng mắc tồn tại suốt thời gian qua.

So với Pháp lệnh LS 2001, Luật LS (có hiệu lực từ ngày 1.1.2007) có rất nhiều điểm mới. Về tổ chức hoạt động thì LS có thể hoạt động dưới 2 hình thức là văn phòng luật sư (VPLS) hoặc công ty luật hợp danh. Đối với VPLS thì Luật LS quy định không có gì thay đổi nhưng rõ hơn. Cụ thể, VPLS là chỉ do một LS thành lập, là loại hình Doanh nghiệp tư nhân, phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình. Còn trước đây VPLS có thể do nhiều LS cùng hợp tác để thành lập nhưng không quy định cụ thể VPLS chịu trách nhiệm tới đâu. Hình thức tổ chức thứ hai là công ty luật. Quy định trước đây đã có mô hình công ty luật hợp danh nhưng nay công ty này chức năng cũng khác so với trước.

Điểm khác biệt lớn nhất ở mô hình này là các LS trong công ty luật hợp danh giờ đã được tham gia tố tụng. Theo Pháp lệnh LS thì các LS tham gia công ty luật không được tranh tụng, chỉ được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Chính vì quy định này mà trước đây khi tham gia bảo vệ cho Năm Cam, LS Nguyễn Đăng Trừng (chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) ban đầu đã không được toà cho tham gia vì LS Trừng thành lập công ty luật. Sau đó, LS Trừng đã phải tham gia vào VPLS Nguyễn Văn Hậu mới được toà chấp nhận. Nay thì, theo quy định mới, luật không phân biệt 2 loại hình này và các LS trong các công ty luật vẫn có thể tham gia tố tụng. Một điểm mới khác là các LS đều phải mua bảo hiểm nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm như thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể.

Theo số liệu thống kê của Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp), tính đến tháng 3.2006, cả nước có tổng cộng 3.918 LS, gồm 2.035 LS chính thức và 1.883 LS tập sự. Tuy nhiên, LS Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng tăng của xã hội. Trung bình 21.215 người dân mới có 1 LS, trong khi ở Singapore 1 LS/1.000 dân và ở Nhật tỉ lệ này là 1/4.546 và Mỹ là 1/250. Mặt khác, việc phát triển của LS Việt Nam chưa cân đối giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Tính đến tháng 3.2006, trong khi TP.HCM có khoảng 1.224 LS thì ở các tỉnh Kon Tum, Hà Giang chỉ có... 3 LS. Riêng các tỉnh Điện Biên, Lai Châu thì không đủ LS để thành lập Đoàn LS theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, LS Lê Hồng Nguyên (Trưởng VPLS Hồng Nguyên, Đoàn LS TP.HCM) cho biết, ngoài những điểm trên, Luật LS còn quy định cho phép LS hành nghề với tư cách cá nhân mà không cần phải thành lập VPLS hoặc công ty luật. Ở các trường hợp này, họ sẽ không tham gia vào VPLS hay công ty luật mà tham gia vào các lĩnh vực khác, chẳng hạn như công ty kinh doanh bất động sản, nơi họ làm các dịch vụ pháp lý, hay nói cách khác họ ký hợp đồng tư vấn dài hạn cho công ty này và hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của công ty đó. Khi làm việc họ sẽ lấy tư cách là nhân viên của công ty đó nhưng khi tham gia tố tụng thì họ phải xin phép Đoàn LS. LS hoạt động với tư cách cá nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Theo LS Lê Hồng Nguyên, Luật LS đã tạo ra một bước ngoặc lớn là việc luật đã quy định trường hợp nào thì LS được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng. Trước đây, khi tham gia tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng lại thường quy định hết sức oái ăm: LS muốn được toà cấp giấy chứng nhận bào chữa cho một bị cáo thì phải vào trại giam để bị cáo ký vào đơn yêu cầu LS. Song khi LS vào trại giam thì được yêu cầu phải có giấy chứng nhận bào chữa cho bị cáo. Giờ đây, vấn đề này đã được Luật LS quy định rất rõ ràng, chỉ cần 3 loại giấy sau thì cơ quan tiến hành tố tụng phải cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng: thẻ LS; giấy yều cầu LS của khách hàng và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề. Đây là quy định giúp cho LS giảm bớt được nỗi lo bị “hành” nhiều nhất. Một điểm mới khác là LS cũng được trao cho chức năng “xác nhận giấy tờ”. Trong tương lai khi công chứng tư ra đời thì chức năng này sẽ phát huy để giảm bớt gánh nặng cho hoạt động công chứng.

Đối với việc tập sự của LS, Luật LS cũng có nhiều quy định mới. Cụ thể, việc tập sự chỉ kéo dài 18 tháng thay vì 24 tháng như trước đây. Tuy nhiên, theo LS Lê Hồng Nguyên, điểm thay đổi lớn nhất và nổi bật nhất của Luật LS là đã xoá bỏ được vấn đề hộ khẩu tồn tại suốt thời gian qua. Bởi tại khoản 1 Điều 20 quy định rõ: “Người có chứng chỉ hành nghề LS gia nhập một Đoàn LS do mình lựa chọn để hành nghề LS”. Cũng theo quy định mới của luật này thì sẽ có một tổ chức xã hội nghề nghiệp toàn quốc của LS. Mô hình này gần giống với Hội Luật gia Việt Nam. Cơ quan này sẽ là nơi san sẻ bớt thẩm quyền của các Đoàn LS với chức năng cấp, thu và sửa đổi Chứng chỉ hành nghề LS, đồng thời cũng là cơ quan ban hành các mẫu trang phục của LS...

M.T   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.