‘Luật riêng’ trên sân chơi chung

12/05/2016 06:19 GMT+7

Đó là luật riêng được áp dụng với các doanh nghiệp bất động sản , không cho phép họ lấy lợi nhuận kinh doanh để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ trong khi hầu hết các ngành nghề đều được phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật riêng này đang gây ra những hệ lụy lớn cho nền kinh tế.
Đầu tiên, hạn chế vốn chảy vào các ngành nghề khác, đặc biệt những ngành sản xuất - dịch vụ thiết yếu trong nền kinh tế mà ngân sách không nên và cũng không thể đảm đương nổi. Hãy nhìn thực tế trên thị trường, rất nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) lớn đầu tư sang nông nghiệp, bán lẻ, cơ sở hạ tầng...
Đây là những ngành trọng yếu trong nền kinh tế nhưng lại hết sức èo uột vì thiếu vốn. Một số ngành đang đứng trước nguy cơ bị nước ngoài thôn tính như phân phối, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm sạch... Niềm hy vọng lớn nhất để giữ thị phần là sự tham gia của khối DN tư nhân để làm đối trọng với các “đại gia” nước ngoài.
Nhưng có lãi mà không được lấy qua để cứu các lĩnh vực khác thì họ làm sao dám đầu tư? Ông chủ của một DN BĐS lớn đã đổ hàng ngàn tỉ đồng để trồng rau sạch nói thẳng, đầu tư vào nông nghiệp vô cùng rủi ro. Trồng rau sạch thì gần như cầm chắc thua lỗ nhưng ông vẫn quyết
đổ tiền vào đây vì “thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đến phát triển giống nòi. Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì sẽ không ai làm cả”. Tương tự, tổng giám đốc một công ty BĐS đang đầu tư vào hệ thống phân phối cho biết, ông quá sốt ruột trước việc thị trường bán lẻ trong nước bị nước ngoài thôn tính. Phân phối là huyết mạch của nền kinh tế, mất phân phối thì sản xuất bị hất cẳng. Để rẽ ngang sang bán lẻ, ông đã mất rất nhiều thời gian thuyết phục cổ đông, thuyết phục các nhà đầu tư “vì lợi ích chung chứ ban đầu không ai đồng ý”. Trong mấy năm qua, công ty ông đổ rất nhiều tiền để mở siêu thị, cửa hàng tiện lợi dù hoạt động này đều thua lỗ.
Dẫn ra vài trường hợp để thấy, nghịch lý hiện nay là những doanh nhân tâm huyết với đất nước, với xã hội thì lại phải cắn răng chịu bất công từ chính sách. Trong khi đó, ở góc độ nhà nước, nên khuyến khích người dân, DN bỏ tiền trong tủ ra làm ăn chứ không nên tạo ra cơ chế riêng để tận thu, tạo sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh.
Thứ hai, “van” thuế một chiều này cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động xử lý nợ xấu hiện nay. Chúng ta đều biết, phần lớn các khoản nợ xấu hiện nay đều có tài sản đảm bảo bằng BĐS. Nhưng DN BĐS có lãi cũng không thể chuyển qua để xử lý nợ thì “cục máu đông” này sẽ cứ nằm đó, vẫn khiến mạch máu vốn của nền kinh tế bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng đến DN, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Thứ ba, chính sách thuế bất hợp lý sẽ khiến nhiều DN tìm cách lách luật, lập ra các công ty thành viên để quản lý và hạch toán lợi nhuận ra nhiều lĩnh vực khác nhau... Như vậy nhà nước "được con tép, mất con tôm".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định DN tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Để hỗ trợ DN, phải bỏ những cái cũ lạc hậu đi, để phù hợp với cái mới, phù hợp thông lệ quốc tế. BĐS là một hoạt động kinh doanh bình đẳng như các ngành kinh doanh khác thì việc sử dụng đồng lãi từ BĐS để bù trừ lỗ cho hoạt động khác sẽ tạo điều kiện cho họ chủ động với kế hoạch đầu tư, tối ưu hóa nguồn vốn để phát triển dài hạn. Vì vậy, cần xóa bỏ ngay luật riêng đang áp dụng với ngành này trên sân chơi chung của nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.