Sáng 20.3.2024, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác. Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Luật sư Phan Trung Hoài là luật sư đầu tiên bắt đầu phần bào chữa. Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Luật sư bào chữa: Bị cáo Trương Mỹ Lan sốc khi nghe đề nghị mức án tử hình
Trước đó, chiều 19.3, Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đã luận tội và đề nghị án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, 4 án chung thân đối với các cựu lãnh đạo SCB.
Viện KSND TP.HCM đề nghị Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội "tham ô tài sản", mức án 20 năm tù về tội "đưa hối lộ" và từ 19 - 20 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tổng hợp hình phạt là tử hình.
Luật sư bào chữa cho hay, bị cáo Trương Mỹ Lan bị sốc khi nghe đề nghị mức án tử hình.
Toàn cảnh đề nghị mức án với vợ chồng Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân và đồng phạm
Tại tòa sáng 20.3, luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh "tham ô tài sản" và nhiều nội dung.
Luật sư Phan Trung Hoài trình bày về hoàn cảnh gia đình, nhân thân của bị cáo, nguồn gốc quá trình kinh doanh của gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan và sự hình thành nên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Về hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo luật sư Phan Trung Hoài, chỉ bao gồm một số công ty nhất định, số lượng 1.000 công ty được cho rằng trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thì cần xem xét thỏa đáng hơn.
Về nguyên nhân, bối cảnh hoàn cảnh xảy ra vụ án, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng cần xem xét lại
Về cáo buộc Trương Mỹ Lan thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), luật sư Phan Trung Hoài cho rằng phải xem xét lại nguyên nhân, bối cảnh, hoàn cảnh xảy ra vụ án. Bởi bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần phải hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém. Khi đó, bị cáo Lan tham gia với vai trò là cố vấn ban hợp nhất.
Cũng theo luật sư Phan Trung Hoài, trong suốt 10 năm hợp nhất, trải qua nhiều giai đoạn, đạt được một số kết quả nhất định, có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng. Luật sư cho rằng không thể bóc tách các khoản vay nào là cho vay mới trả nợ cũ hay khoản vay mới hoàn toàn.
Ngoài ra, luật sư đề nghị HĐXX ghi nhận có sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị xem xét lại việc xác định sở hữu của thân chủ mình tại SCB. Nếu SCB bị thiệt hại thì chính bị cáo Trương Mỹ Lan cũng là người bị thiệt hại và cần đánh giá lại việc sử dụng kết quả thẩm định giá của Hoàng Quân.
Trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung là tử hình cho 3 tội danh "tham ô tài sản", "đưa hối lộ", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Bị cáo Chu Lập Cơ (là chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) bị đề nghị 11 - 12 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan) bị đề nghị 19 - 20 năm tù về tội "tham ô tài sản".
Thực hư về giá trị tòa nhà 1 tỉ USD của Trương Mỹ Lan
Các bị cáo là cựu lãnh đạo ngân hàng SCB như Bùi Anh Dũng, Đinh Văn Thành (đang bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt), Võ Tấn Hoàng Văn bị đề nghị mức án chung thân.
Theo đại diện VKS, các bị cáo này phạm tội có tổ chức, phạm tội hai lần trở lên và dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Đây là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị buộc bị cáo Trương Mỹ Lan có trách nhiệm bồi thường toàn bộ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo Lan gây ra là 677.286 tỉ đồng và số lãi phát sinh của hậu quả thiệt hại này theo quy định pháp luật.
Cựu Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát ngân hàng II, Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD bị đề nghị chung thân về tội "nhận hối lộ". 16 bị cáo còn lại là cựu cán bộ ngân hàng bị đề nghị mức án từ 3-15 năm về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Hiện, các luật sư đang tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo.
Bình luận (0)