Luật sư ‘chỏi’ nhau trong phiên tòa xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm

13/01/2018 06:33 GMT+7

Luật sư của một số bị cáo có vai trò chính trong vụ án cho rằng thân chủ mình không phạm tội như cáo buộc; luật sư bào chữa cho các bị cáo có vai trò đồng phạm chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong khi luật sư của một số bị cáo có vai trò chính trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC cho rằng thân chủ mình không phạm tội như cáo buộc, thì luật sư bào chữa cho các bị cáo có vai trò đồng phạm chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 12.1, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí VN (PVC) tiếp tục với phần tranh luận.
Trịnh Xuân Thanh có bằng chứng ngoại phạm?
Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng giám đốc PVC, 5 luật sư (LS) của bị cáo này đều cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo là quá nặng nề và thiếu thuyết phục. Trong bản luận tội trước đó, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 13 - 14 năm tù về tội “cố ý làm trái”, chung thân về tội “tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Đối với tội “cố ý làm trái”, LS Nguyễn Văn Quynh cho rằng thân chủ của mình không có lỗi cố ý. Theo LS này, bị cáo Thanh không đủ thẩm quyền để chỉ đạo tổng giám đốc ký hợp đồng EPC số 33, bởi theo điều lệ PVC các chủ trương chỉ đạo phải được thông qua HĐQT gồm 5 thành viên. LS Quynh cũng bày tỏ sự không đồng tình khi đại diện cơ quan công tố nhận định bị cáo Thanh “quanh co chối tội”, bởi theo ông quy định về suy đoán vô tội đã quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, người bị buộc tội không có trách nhiệm chứng minh mình vô tội và người bị buộc tội có quyền im lặng.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh bào chữa cho bị cáo Ảnh: TTXVN
Về cáo buộc “tham ô tài sản”, LS Nguyễn Quốc Hùng đề nghị tòa xem xét một cách cẩn trọng cáo buộc của Viện KSND đối với bị cáo Thanh. Theo LS Hùng, hành vi bị cáo nhận 4 tỉ đồng thông qua lái xe của mình như cáo buộc có chứng cứ không rõ ràng, các nhân chứng liên quan khai không thống nhất, lúc thì khai là tiền, lúc khai là quà, nên phải được làm rõ hơn.
Đáng chú ý, LS Hùng đưa ra lịch trình của bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngày 13.1.2012, cho biết bị cáo này có một chuyến bay từ Hà Nội tới TP.HCM khởi hành lúc 16 giờ, có lịch công tác tại PVC, thời gian bay và vé máy bay. Bị cáo Thanh phải đi từ nơi làm việc đến sân bay trước 2,5 giờ so với giờ khởi hành. Chưa kể, thời gian này cận tết, tắc đường nên bị cáo này sẽ phải đi sớm hơn, vì lúc đó chưa có cầu Nhật Tân. Do đó, LS cho rằng thời điểm bị cáo Thanh bị cáo buộc nhận túi quà thông qua cuộc gọi của tài xế lúc 14 giờ thì bị cáo này đã trên đường tới sân bay ít nhất là nửa giờ. “Đây là chứng cứ ngoại phạm của bị cáo Thanh trong việc nhận tiền và anh T., tài xế riêng của Thanh, cũng đang trên đường đưa Thanh tới sân bay, nên không thể nào nhận được gói tiền từ người khác”, LS Hùng phân tích.
Văn bản cảnh báo sai phạm phải đóng dấu “mật”
Là một trong 3 LS bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN, LS Đinh Anh Tuấn cho rằng cơ quan công tố đề nghị mức án 12 - 13 năm tù là quá nặng nề, trong khi lời luận tội đối với bị cáo này sơ sài hơn cả cáo trạng và không phản ánh được thực tế tại phiên tòa. “Những nỗ lực của thân chủ tôi khi trả lời các câu hỏi trước tòa đã khiến cho phía công tố đi đến nhận định bị cáo khai báo không thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới”, LS Tuấn nói.

Theo LS Tuấn, bị cáo Thực đã có những bằng chứng để gỡ tội nhưng lại bị cơ quan công tố coi đó như là bằng chứng buộc tội. Cụ thể, cáo trạng nhận định bị cáo Thực biết rõ PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn cùng bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33 để PVC là tổng thầu. Sau đó, các bị cáo chỉ đạo cấp vốn cho PVC trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong cáo trạng cũng thể hiện, ngày 18.6.2010, bị cáo Thăng ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Thái Bình 2, nhưng đến ngày 15.10.2010, chính bị cáo này lại ký nghị quyết phê duyệt phương án liên danh tổng thầu EPC. “Trong cáo trạng đã không thể hiện rõ vì sao lại có sự thay đổi này.
Tuy nhiên, những thu thập tài liệu của tôi cho thấy việc thay đổi này là tình tiết gỡ tội cho ông Phùng Đình Thực, bởi trước đó, ngày 10.9.2010, ông Thực đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các dự án nhiệt điện than, trong đó yêu cầu ban này xây dựng phương án liên danh tổng thầu cho dự án Thái Bình 2, vì ông Thực nhận thấy PVC chưa đủ kinh nghiệm làm tổng thầu”, LS Tuấn nói, đồng thời đưa ra các luận điểm để chứng minh bị cáo Thực không biết hợp đồng EPC số 33 là trái quy định pháp luật vì không có một tài liệu nào thể hiện điều này.
Ngoài ra, trong việc chuyển đổi chủ thể hợp đồng EPC số 33, bị cáo Thực đã ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN (cũng là bị cáo trong vụ án này), để ký hợp đồng số 4914. Theo nghị quyết của PVN, khi thực hiện các công việc ủy quyền thì người được ủy quyền phải kiểm tra rà soát kỹ, thấy khó khăn phải báo cáo lại. Tuy nhiên, ông Khánh đã không làm những việc này mà vẫn ký.
Từ quan điểm đã nêu, LS Tuấn đề nghị HĐXX tranh luận đến cùng trên nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội theo tinh thần đổi mới của bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đồng thời tuyên thân chủ mình không phạm tội “cố ý làm trái”.
Một diễn biến đáng chú ý khác trong phiên tranh luận chiều 12.1, LS bào chữa cho 2 bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN, và Trần Văn Nguyên, nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án (cùng bị đề nghị các mức án 2 - 3 năm tù cho hưởng án treo), lại đồng tình với một số nhận định của Viện KSND về hành vi vi phạm của các bị cáo.
Tuy nhiên, LS cũng nêu rõ các bị cáo này biết việc làm của mình sai nhưng “bất lực” bởi sức ép của lãnh đạo. Đáng chú ý, bị cáo Chương đã có Văn bản số 378 đóng dấu “mật” gửi đích danh bị cáo Phùng Đình Thực để cảnh báo về sai phạm của hợp đồng EPC số 33, nhưng đã không được ghi nhận.
“Văn bản đóng dấu mật trong hoàn cảnh bình thường là một điều bất thường, là nỗ lực cuối cùng của bị cáo nhằm cảnh cáo rủi ro đối với lãnh đạo PVN, các bị cáo này đã đơn độc nên phải sử dụng biện pháp như vậy”, LS nói và cho rằng cả 2 bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng đặc biệt. Theo đó, LS đề nghị HĐXX xem xét miễn hình phạt đối với bị cáo Chương và miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nguyên.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nộp 4 tỉ đồng khắc phục hậu quả
Cùng bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngày 12.1, LS Trần Hồng Phúc đề nghị HĐXX xem xét lại việc xử lý tài sản kê biên trong vụ án. Theo LS Phúc, ông Trịnh Hùng Cường, con trai bị cáo Thanh, cho biết một số tài sản đứng tên bị cáo này bị cơ quan tố tụng kê biên có nguồn gốc là do ông bà nội tặng, được thể hiện trong hợp đồng cho tặng xác lập từ năm 2011, ở thời điểm chưa xảy ra hành vi tham ô ở PVC. Do đó, LS cho rằng đây là tài sản hợp pháp nên cần phải được dỡ bỏ lệnh kê biên. Trong trường hợp các cơ quan tố tụng cho rằng tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp thì phải chứng minh.
Đáng lưu ý, dù các LS bào chữa cho rằng bị cáo không phạm tội, nhưng theo LS Phúc đến thời điểm này gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã nộp thêm 2 tỉ đồng, tổng cộng 4 tỉ đồng, để khắc phục hậu quả trong vụ án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.