Luật sư đề nghị xem xét bối cảnh phạm tội để giảm án cho Phạm Công Danh

30/07/2018 16:49 GMT+7

Theo luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh, việc bị cáo phải tiếp nhận một ngân hàng yếu kém, mất khả năng thanh khoản khiến Phạm Công Danh phải thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội...

Sáng 30.7, phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) giai đoạn 2 đối với bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), bị cáo Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng 43 đồng phạm bước sang tuần thứ 2.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, luật sư (LS) Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX lưu tâm đánh giá bối cảnh, nguyên nhân phạm tội của bị cáo Danh.
LS Hoài cho rằng xuất phát từ hành vi phạm tội của bị án Hứa Thị Phấn, dẫn đến Danh cố gắng tối đa, đem cả tài sản, cơ nghiệp gia đình vào tham gia hoạt động tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín - TrustBank (VNCB), nhằm tăng khả năng thanh khoản của TrustBank bằng nhiều cách khác nhau.
Về khoản tiền 6.126 tỉ đồng được coi là hành vi cố ý làm trái… trong đại án VNCB giai đoạn 2, LS Hoài nêu Danh đã sử dụng vào mục đích tăng khả năng thanh khoản của ngân hàng, nâng vốn điều lệ cho VNCB cũng như phục vụ cho việc chi chăm sóc khách hàng.
Quá trình gửi tiền và sử dụng tiền liên ngân hàng bảo đảm cho các khoản vay tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV đều trong thời điểm tổ giám sát NHNN thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát và được Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN báo cáo phương thức xử lý lên NHNN và yêu cầu phục hồi trả lại các khoản tiền cho VNCB.
Từ đó, LS Hoài đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân, mục đích phạm tội của Danh để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
4.500 tỉ đồng vẫn nằm ở CB Bank
Về 4.500 tỉ đồng Danh lấy từ hành vi phạm tội, chuyển nâng vốn điều lệ cho VNCB nhưng không được NHNN đồng ý, nay bị cáo Danh đề nghị được trả lại hoặc cấn trừ khắc phục hậu quả cho vụ án, LS Hoài đánh giá, VKS cho rằng 4.500 tỉ đồng đã được hòa chung trong các dòng tiền do VNCB sử dụng, không thể bóc tách được nhưng theo LS là thực tế không đúng như vậy.
LS Hoài lập luận, tờ trình số 534 ngày 15.7.2014 của Cơ quan Thanh tra giám sát (TTGS) NHNN gửi Thống đốc NHNN, khẳng định: VNCB đề nghị thay đổi bút toán ghi nhận tăng vốn điều lệ, trên cơ sở đó VNCB trả lại tiền cho các nhà đầu tư tham gia góp vốn để lấy nguồn này khắc phục một phần cho khoản bảo lãnh. Ý kiến của Cơ quan TTGS: Đây là khoản tiền được các cổ đông mới nộp vào VNCB để tăng vốn điều lệ nhưng lại có nguồn gốc từ VNCB. Do vậy, trước mắt giữ nguyên hiện trạng để phục vụ công tác điều tra của Cơ quan Công an. Trên cơ sở kết quả điều tra, NHNN sẽ yêu cầu VNCB dùng số tiền 4.500 tỉ đồng để phục hồi các khoản tiền gửi liên ngân hàng đã bị BIDV, Sascombank và TP Bank xiết nợ do bảo đảm cho các khách hàng vay vốn tại 3 ngân hàng này…
LS Hoài cho rằng, không có việc 4.500 tỉ đồng được hòa chung vào tiền mặt, tiền gửi của VNCB tại NHNN và tại các tổ chức tín dụng khác để sử dụng vào việc chung của VNCB.
Theo LS Hoài, thực tế số tiền 4.500 tỉ đồng này tồn tại và được hạch toán chính thức và công khai vào vốn điều lệ ghi nhận trên Báo cáo tài chính năm 2014 (sau khi vụ án được khởi tố - PV) của CB Bank.
Luật sư đề nghị thu hồi triệt để tài sản hưởng thụ bất hợp pháp
Về đề nghị thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng từ 3 ngân hàng, LS Hoài cho rằng, bản thân bị cáo Phạm Công Danh không muốn làm xấu đi tình trạng của 3 ngân hàng và những người có trách nhiệm liên quan nên LS đề nghị có biện pháp thu hồi các khoản tiền được coi là không hợp pháp.
Cụ thể trong số tiền 6.126 tỉ đồng bị coi là thiệt hại, thì có thể thu hồi hơn 3.986 tỉ đồng từ nhiều nguồn do Danh dùng từ các khoản vay này chi trả như: BIDV Sở Giao dịch II: 1.176,017 tỉ đồng; BIDV Chi nhánh Hải Vân: 457,697 tỉ đồng; bà Hứa Thị Phấn 600 tỉ đồng; Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hải Tiến: 723 tỉ đồng; ông Trần Quí Thanh: 515,707 tỉ đồng; bà Trần Ngọc Bích: 43,267 tỉ đồng; lãi vay Sacombank được hưởng: 33,866 tỉ đồng; lãi vay và lãi phạt BIDV được hưởng hơn 227 tỉ đồng; trả lãi cho 12 công ty vay 4.700 tỉ đồng tại BIDV 76,472 tỉ đồng; lãi vay TPBank được hưởng: 70,064 tỉ đồng; Quỹ Lộc Việt: 57,6 tỉ đồng; phong tỏa tại TPBank (Quỹ Lộc Việt): 3 tỉ đồng.
Ngoài ra, LS Phan Trung Hoài cho rằng nếu thu hồi triệt để các tài sản thụ hưởng bất hợp pháp xuất phát từ nguyên nhân và hành vi phạm tội của các bị cáo, thì hậu quả của vụ án có thể khắc phục được thêm gần 7.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.