Luật sư khẳng định Hoàng Công Lương không chịu trách nhiệm về chất lượng nước

24/01/2019 04:50 GMT+7

Ngày 23.1, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần đối đáp giữa các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo và đại diện Viện KSND (VKS) TP.Hòa Bình.

Với 10 LS đăng ký bào chữa, phần bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương kéo dài cả chiều 23.1. LS Hoàng Ngọc Biên, một trong các LS bào chữa cho bị cáo Lương cho rằng, thân chủ của mình đã ra y lệnh theo đúng quy trình, cơ quan điều tra không chứng minh được việc chủ quan khi đưa ra y lệnh thì không thể quy kết tội danh vô ý làm chết người đối với bị cáo.
Theo LS Biên, không có quy định nào về việc các bác sĩ (BS) phải đảm bảo chất lượng nguồn nước, việc cáo buộc BS phải biết rõ chất lượng nước là đánh tráo giữa trách nhiệm của kỹ thuật viên lọc máu và BS lọc máu.
Tương tự, LS Nguyễn Thị Thúy Kiều không đồng ý với quan điểm luận tội của VKS TP.Hòa Bình đối với bị cáo Lương bởi quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước dùng cho chạy thận được tiến hành trong suốt 7 năm trước khi sự cố xảy ra, bị cáo Lương không thể thay đổi quy trình, cũng không thể biết chất lượng sửa chữa. Nguyên nhân dẫn tới sự cố là do bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) sử dụng hóa chất không có trong quy định.
Trước đó, trong bản luận tội, cơ quan công tố cho rằng bị cáo Hoàng Công Lương là BS chuyên khoa I, là BS điều trị chuyên môn chính cho 18 bệnh nhân ngày 29.5.2017 ở đơn nguyên thận nhân tạo. Bị cáo cũng có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản.
Theo công văn trả lời của Sở Y tế Hòa Bình, đến thời điểm xảy ra sự cố, chỉ BS Lương có đủ điều kiện hoạt động độc lập, đủ quyền ra y lệnh chạy thận. Lương cũng được bị cáo Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) phân công nhiệm vụ điều trị chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo. Ngoài vai trò BS, bị cáo Lương cũng là người ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2.
Do đó, VKS cho rằng, bị cáo Lương phải biết tầm quan trọng của nguồn nước và nắm được trước, trong và sau khi sửa chữa phải kiểm tra chất lượng nước và hóa chất tồn dư. Ngoài ra, việc chạy thận nhân tạo không phải trường hợp lọc máu cấp cứu; Đơn nguyên thận nhân tạo lại có tới hai hệ thống lọc nước RO, có thể chạy thay thế, nên đây không phải là tình thế cấp thiết. Do đó, bị cáo Lương hoàn toàn có quyền không cho các điều dưỡng viên thực hiện chạy thận cho bệnh nhân.
Theo đại diện VKS, hành vi nguy hiểm của Hoàng Công Lương chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết nên đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người và đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo này mức án 36 - 42 tháng tù. Đây là mức án nặng hơn khá nhiều so với phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 5.2018, khi đó VKS TP.Hòa Bình chỉ đưa ra mức án 30 - 36 tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Lương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.