Trong những ngày qua, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona bùng phát ở nhiều nơi, gây không ít lo lắng cho nhiều người. Bên cạnh những thông chính thống được công bố, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã đăng tải những thông tin hóng hớt, không có kiểm chứng. Điều này dẫn đến thông tin sai lệch bị lan truyền với tốc độ chóng mặt, không những không giúp người dân nâng cao tinh thần phòng bệnh mà gây hoang mang tâm lý giữa dịch corona.
Cụ thể, trong ngày 31.1, Ngô Thanh Vân đã đưa thông tin sai lệch về việc các hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán (Trung Quốc) về Việt Nam giữa đại dịch virus corona. Cô viết: "Nghe bạn nói, tối thứ 4, tức sáng sớm thứ 5 vẫn còn chuyến bay trực tiếp từ Vũ Hán đáp vào Việt Nam. Tại sao? Chúng ta không phải đã ngưng rồi sao? Nguy hiểm quá. Chặn luôn đi chứ. Phải bảo vệ người dân và con em chúng ta chứ?”.
Bài chia sẻ của Ngô Thanh Vân bị cho là không đúng bởi Cục Hàng không Việt Nam đã tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam. Điều này khiến nữ diễn viên Hai Phượng bị cộng đồng mạng chỉ trích gay gắt. Trước phản ứng của cư dân mạng, Ngô Thanh Vân đã lên tiếng xin lỗi, xóa bài đăng.Trước đó, Đàm Vĩnh Hưng và Cát Phương cũng nhận nhiều lời chỉ trích vì chia sẻ thông tin không chính xác giữa "tâm bão" virus corona đang diễn biến phức tạp và các sao này đã phải gỡ bỏ bài viết. Mới đây nhất, NSND Hoàng Dũng cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi sau khi phát hiện thông tin từng chia sẻ trên trang cá nhân về dịch cúm Corona là giả, song những lời xin lỗi này vẫn không thể xoa dịu được dư luận.
|
Nhiều ý kiến cho rằng các nghệ sĩ này đều là người của công chúng, phát ngôn sai sẽ gây kích động, hoang mang dư luận. Một số khác lại yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý mạnh tay những trường hợp đưa thông tin sai sự thật, đặc biệt là với những nghệ sĩ nổi tiếng bởi họ là người có tầm ảnh hưởng, thông tin được lan truyền nhanh chóng sẽ gây hoang mang dư luận.
“Là người của công chúng không phải cứ sai rồi xin lỗi là xong. Cũng đâu phải lần đầu tiên đi dắt mũi dư luận", "Chị ơi, chị là người nổi tiếng. Mỗi phát ngôn của chị có sức ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng. Nên chị hãy tìm hiểu kỹ trước khi phát ngôn nhé", “Người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng nhất định nên càng cần chú trọng phát ngôn. Hi vọng các nghệ sĩ tự rút ra bài học cho bản thân”, “Đều là những người có tiếng nói và sự ảnh hướng đến công chúng nhưng phát ngôn thiếu thông tin, thiếu chính xác và vô tội vạ. Ít ra cũng phải biết xác nhận nguồn thông tin, định hướng dư luận, đằng này chưa xác định đúng sai mà viết như đúng rồi. Cần xử lý để rút kinh nghiệm”..., nhiều khán giả lên tiếng.
|
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: “Pháp luật hiện hành xử lý người vi phạm bình đẳng như nhau, không phân biệt là người công chúng, ca sĩ, diễn viên hay một người công dân bình thường”.
Luật sư Hùng cho biết luật An ninh mạng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng. Trong đó, có các hành vi như: sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…
Theo ông, hiện nay nhiều người của công chúng, người sử dụng mạng xã hội đăng tin, hình ảnh giật gân, bịa đặt, sai sự thật nhằm để câu “view”, câu “like” diễn ra khá phổ biến. Tùy mục đích, tính chất hành vi mà bị xử lý khác nhau. Luật sư Hùng phân tích nếu chỉ là hành vi đăng tải nhằm gây sự chú ý mà không gây thiệt hại cho xã hội, cho người khác thì rất khó để xử lý. Tuy vậy, hành vi tung tin sai sự thật rõ ràng là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm, việc tung tin sai sự thật dù cá nhân tung tin không có chủ ý nhưng có rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra mà người tung tin không thể lường trước được. Nếu hành vi đó gây ra thiệt hại cho xã hội, cho người khác, tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Luật sư Trần Minh Hùng giải thích cụ thể: “Theo Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi sau đây bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng: “Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh; cung cấp nội dung thông tin mê tín dị đoan, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam;… Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước…”. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, tính chất hành vi thì thậm chí còn có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự với quy định về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Theo đó, hành vi đưa thông tin lên mạng nhằm thu lợi bất chính, hoặc gây dư luận xấu làm thiệt hại đến uy tín của cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… tùy theo mức độ nghiêm trọng mà có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm”.
Nói về vụ việc của Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng và các nghệ sĩ khác, luật sư Hùng nhận định: "Với nhiều vụ việc mà người sử dụng mạng xã hội đăng tin sai sự thật trên mạng nhằm câu “view”, câu “like” , bịa đặt..., những trường hợp này, có thể bị xử lý tùy theo mức độ hậu quả xảy ra, là có thể xử phạt hành chính theo nghị định Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ hoặc xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự”.
Những ngày qua, có không ít các cá nhân đã bị pháp luật xử lý vì đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch virus corona. Cụ thể, ngày 31.1, UBND TP.Móng Cái đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Đình Vân (29 tuổi, trú tại khu 4, phường Hải Hòa, Móng Cái, Quảng Ninh) 7,5 triệu đồng về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội.
Ngày 30.1, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Tùng (ngụ TP.Vũng Tàu) 15 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật.
Cũng trong ngày này, Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt hành chính cũng với số tiền 7,5 triệu đồng đối với Nguyễn Thu Trang, trú tại tổ 29, khu 2, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long. Bà Trang cũng tung tin sai sự thật lên facebook cá nhân, rằng có 2 người Trung Quốc đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh vì nhiễm virus Corona...
|
Bình luận (0)