Mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh công an đánh 2 thiếu niên đi xe máy. Theo đó, sau khi bị 2 công an (1 người mặc áo vàng, 1 người mặc áo xanh) đuổi kịp, 2 thiếu niên đã nhảy xuống xe, dùng tay, chân, nón bảo hiểm đánh người cầm lái.
Sau đó, một xe chuyên dụng khác tới và 2 người mặc áo xanh cũng tới, 1 trong 2 người tiếp tục đánh 1 thiếu niên. Đoạn clip chia sẻ nhanh chóng trên một số nền tảng mạng xã hội, người dùng mạng phẫn nộ, bất bình sau khi xem đoạn clip. Sự việc sau đó được xác định xảy ra tại Sóc Trăng.
Họp báo vụ công an đánh 2 thiếu niên ở Sóc Trăng: Có xử lý hình sự hay không? |
Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng sau đó đã tạm đình chỉ 4 cán bộ, chiến sĩ trong clip và xác định có 3 người đánh 2 thiếu niên này. Thông tin ban đầu cho biết, 2 công an phát hiện 2 thiếu niên này vi phạm giao thông, ra hiệu dừng xe nhưng người điều khiển không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng,… với quãng đường khoảng 30km.
Cần xử lý nghiêm!
Luật sư (LS) Nguyễn Tấn Thi, Trưởng văn phòng Luật sư Hoa Sen cho rằng, vụ việc công an đánh 2 thiếu niên có thể khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với hai tình tiết ở điểm e và i.
Đoạn clip gây phẫn nộ trên mạng xã hội |
cắt từ clip |
Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
i) Có tính chất côn đồ;
Theo LS Nguyễn Tấn Thi, trong vụ việc này, mức độ tổn thương có thể dưới 11% hoặc không có nhưng có thể khởi tố được vì 2 tình tiết như trên.
“Đối với những hành vi tác động đến cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe thì cần phải trưng cầu giám định để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là bao nhiêu. Nếu dưới 11% mà muốn khởi tố vụ án về hành vi cố ý gây thương tích thì người bị hại (hoặc đại diện người bị hại) phải có đơn yêu cầu (theo quy định tại điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Còn trên 11% thì không cần có đơn yêu cầu thì vẫn có thể khởi tố vụ án cố ý gây thương tích”, LS Nguyễn Tấn Thi chia sẻ.
Họp báo vụ công an đánh 2 thiếu niên: Tước danh hiệu công an nhân dân 3 chiến sĩ |
"Rất phản cảm"
LS Nguyễn Thạch Thảo, Văn phòng LS Nguyễn Thạch Thảo cũng cho biết, ông cảm thấy bức xúc, phẫn nộ về cách hành xử của các anh công an trong clip.
Theo LS Nguyễn Thạch Thảo, hành vi của các em có vi phạm thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính; khi đó, trách nhiệm của CSGT là lập biên bản vi phạm hành chính sau đó ra quyết định xử phạt hành chính, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà mức xử phạt hành chính sẽ khác nhau.
"Ở vụ việc này, cần xác định rõ, các em không phải là các đối tượng phạm tội hình sự đang bị truy đuổi hoặc các em đang có hành vi côn đồ đối với lực lượng đang thi hành công vụ. Do vậy, công an không có quyền dùng các biện pháp mạnh để trấn áp tội phạm", LS Nguyễn Thạch Thảo nêu ý kiến.
Em thiếu niên đứng "chịu trận" |
Cắt từ clip |
Cũng theo LS, Khoản 2, Điều 8 về Quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát của Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định: CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư 65/2020/TT-BCA cũng đã quy định rõ quyền hạn của CSGT trong tuần tra là được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ.
LS Nguyễn Thạch Thảo nhấn mạnh: "Điều đó đồng nghĩa với việc CSGT - TT có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hành vi vi phạm chứ không quy định cho các anh quyền được dùng vũ lực để tấn công một cách thô bạo người vi phạm, mà ở tình huống trên, các em hoàn toàn không có bất kỳ hành động nào để phản kháng lại. Thậm chí, việc đưa tay lên tự vệ các em cũng rất hạn chế, chủ yếu đứng chịu trận trước các trận đòn như trả thù bằng dùi cui, nón bảo hiểm đánh vào các vùng trọng yếu của các em như: đầu, mặt, sau ót là vô cùng nguy hiểm. Các vị trí đó, có thể dẫn tới chết người bất cứ lúc nào. Một hình ảnh rất phản cảm, làm xấu đi hình ảnh của công an nhân dân".
Do vậy, LS Nguyễn Thạch Thảo cho rằng, trong vụ việc công an đánh 2 thiếu niên này, lãnh đạo công an tỉnh Sóc Trăng cần có hình thức xử lý thật nghiêm khắc, thích đáng, nhanh chóng.
Bình luận (0)