'Luật Trưng cầu ý dân hiệu lực 7 năm nhưng chưa tổ chức cuộc trưng cầu nào'

06/09/2023 13:02 GMT+7

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn cho biết, luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực đến nay đã 7 năm nhưng chưa tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nào nên không có cơ sở thực tiễn để đánh giá, tổng kết theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội.

Thảo luận tại Hội nghị lần thứ nhất triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn cho biết, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng báo cáo nghiên cứu, rà soát luật Trọng tài thương mại, hoàn thành trước 31.12.2022.

'Luật Trưng cầu ý dân hiệu lực 7 năm nhưng chưa tổ chức cuộc trưng cầu nào' - Ảnh 1.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam

NGỌC THẮNG

Đây là nhiệm vụ được xác định tại Kế hoạch số 81 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập ban biên tập, ban hành kế hoạch xây dựng báo cáo; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, thu thập tài liệu; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm.

Báo cáo đã được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các trung tâm trọng tài thương mại, trọng tài viên và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, ông Phàn cho biết, Hội Luật gia Việt Nam thấy rằng việc xây dựng luật Trọng tài thương mại sửa đổi là cần thiết.

Về nhiệm vụ tổng kết, đánh giá thi hành luật Trưng cầu ý dân, ông Phàn cho hay, đây là nhiệm vụ lập pháp mới chưa được xác định tại Kế hoạch số 81, nhằm thực hiện Nghị quyết số 27 năm 2022 của T.Ư Đảng khóa XIII về về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ông Phàn thông tin, luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25.11.2015 tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực từ 1.7.2016.

'Luật Trưng cầu ý dân hiệu lực 7 năm nhưng chưa tổ chức cuộc trưng cầu nào' - Ảnh 2.

Hội nghị lần thứ nhất triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

NGỌC THẮNG

Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều, quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.

Theo ông Phàn, luật Trưng cầu ý dân đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Luật Trưng cầu ý dân cũng phù hợp với bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trưng cầu ý dân cũng là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.

"Tuy nhiên, luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực đến nay đã 7 năm, nhưng chúng ta chưa tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nào, do vậy, không có cơ sở thực tiễn để đánh giá, tổng kết", ông Phàn nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.