(TNO) “Vì luật Trưng cầu ý dân đưa ra nhằm phục vụ nhân dân nên cần thiết có một cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến nhân dân để đánh giá được tác động của luật này đến dân như thế nào và họ cần trưng cầu những vấn đề gì”, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM phát biểu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phan Thương
|
Ý kiến trên được luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra tại hội thảo góp ý luật Trưng cầu ý dân do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Hội luật gia VN tổ chức vào hôm nay 23.4.
Ngoài ra, tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng luật Trưng cầu ý dân là cách để dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Do đó, liên quan đến quy định cơ quan, tổ chức nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân được các chuyên gia đặc biệt quan tâm và đưa ra ý kiến. Về quy định nêu trên, dự thảo đưa ra hai phương án.
Phương án 1: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số Đại biểu Quốc hội. Về phương án 2, dự thảo giữ nguyên các chủ thể như phương án 1 và thêm Đoàn chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc VN được quyền đề nghị.
Qua đó, TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng, nhu cầu trưng cầu ý dân là xuất phát từ dân chứ không phải xuất phát từ nhà nước. Do đó, chủ thể có sáng quyền trưng cầu dân ý phải là nhân dân chứ không nên là chủ thể nhà nước như phương án 1.
“Còn nhân dân thực hiện sáng quyền như thế nào là câu chuyện khác, còn quyền quyết định tất nhiên là Quốc hội. Vì vậy, phương án 2 thêm tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phù hợp. Và làm sao cơ quan này có trách nhiệm trong việc tập hợp được nguyên vọng của nhân dân trước một vấn đề để đưa ra trưng cần dân ý thì phải có quy trình rõ ràng, phải xuất phát từ bức xúc của người dân, liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân”, TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao nói.
Ngoài ra, ông Giao cũng đề nghị phải làm rõ tính minh bạch và giải trình trong thiết chế giám sát trực tiếp đối với việc bỏ phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả để tiến tới là phải khách quan. Bởi, thực tiễn cho thấy có nhiều cuộc trưng cầu dân ý nhưng kết quả không được công nhận vì tố nhau.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận xét rằng, Hiến pháp 2013 có quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Do đó, để phù hợp và kịp thời thực hiện chức năng của mình, đáp ứng được nhu cầu của dân, việc trao quyền cho Cơ quan đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Đoàn chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đứng đắn hơn hết.
Bình luận (0)