Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, cho biết sau 10 năm thực thi một số quy định trong luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật.
Trong số những quy định còn thiếu, theo ông Nguyên, thiếu nhất có lẽ vẫn là các quy định về xuất bản điện tử. Hiện tại, một số quy định về xuất bản điện tử mới chỉ có quy định khung, chưa chi tiết cụ thể. Quy định cụ thể cho các thư viện điện tử, phát hành xuất bản phẩm trên internet, cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh trên môi trường điện tử đều là khoảng trống.
Một buổi thu giọng đọc cho sách nói của ứng dụng Fonos |
NVCC |
Cùng quan điểm, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TP.HCM, cho rằng dù đã có chương 5 quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử, nhưng luật vẫn chưa theo kịp thực tế. Theo ông, thời gian tới cần bổ sung nội hàm cho khái niệm xuất bản phẩm điện tử. Các hình thái sách như sách nói (audio book), video book cần được luật hóa.
Báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành cho thấy chính sách hỗ trợ xuất bản quy định rất nhiều, đầy đủ nhưng không được hiện thực hóa. Đến nay mới chỉ có chính sách Nhà nước đặt hàng xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ trọng yếu và giảm thuế giá trị gia tăng đang được áp dụng. Các chính sách còn lại hiện cũng chưa được cụ thể hóa, gồm: vay vốn ưu đãi để đầu tư bản thảo trong kế hoạch trung hạn, dài hạn; hỗ trợ mua bản quyền với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giảm tiền thuê nhà, đất làm trụ sở đối với nhà xuất bản hoạt động mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước...
Cũng theo báo cáo này, hiện còn thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm cũng như chế tài đủ mạnh trong liên kết xuất bản. Do đó, đa số các nhà xuất bản đều trông chờ vào tính tự giác của đối tác liên kết khi nộp xuất bản phẩm lưu chiểu. Trường hợp các đối tác vi phạm thì nhà xuất bản là đối tượng phải chịu trách nhiệm chính mà không phải là đối tác liên kết.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề cập đến việc xử lý các hành vi vi phạm bản quyền như sao chép, sản xuất các sản phẩm xuất bản để kinh doanh, trục lợi, thu lợi bất chính mà không được phép của tác giả. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cho rằng cần xem xét lại những quy định pháp luật có liên quan, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc xử lý triệt để tình trạng xuất bản phẩm điện tử lậu. Ông Nam đề nghị cơ quan quản lý an ninh mạng có cơ chế lọc, xóa bỏ và tổ chức phạt vi phạm đối với những trang web cố ý kinh doanh, cung cấp xuất bản phẩm điện tử lậu.
Bình luận (0)