TNO

Lúc lắc bánh rán tuổi thơ

10/02/2015 16:21 GMT+7

(iHay) Vốn chẳng có gì xa xỉ, chiếc bánh rán dân dã thôn quê này có thể tìm thấy ở mọi ngóc ngách vùng miền Việt Nam.

(iHay) Tôi vẫn nhớ những ngày còn bé ngồi vắt vẻo trước hiên nhà, ê a mấy câu hát chẳng nhớ nổi lời, chỉ để giết thời gian mỗi khi đợi bà đi chợ về. Bà về, mỗi hôm một thức, lại mua cho tôi món quà vặt nào đó bà gặp ngoài chợ. Có khi là bánh lá, có khi bánh tẻ, có lúc bánh bột lọc,… nhưng thường xuyên nhất vẫn là bánh rán lúc lắc.

>> Giòn tan bánh rán xứ Thanh

 

Như một thói quen, chỉ cần nhìn thấy bà từ đằng xa, thấp thoáng màu nâu nâu của gói giấy xi măng, lấm tấm vết dầu loang lổ bên ngoài, là tôi biết hôm nay được ăn gì rồi.

Nhận túi giấy từ tay bà, tôi háo hức thòm thèm he hé nhìn vào trong. Mùi thơm xực lên, hai cánh mũi phập phồng hít lấy hít để hương bánh mới rán xong, vẫn còn nóng hổi.

Bà vẫn dặn tôi cẩn thận kẻo bánh còn nóng, nhưng chẳng khi nào tôi để tâm đến điều đó. Tay bốc, miệng há, tôi cắn luôn một miếng to bự rồi chẳng kịp thấy ngon, tôi khóc thét lên vì nóng. Ôi mẹ ơi, sao mà nóng đến cỡ đó!

Và cứ thế, chiếc bánh rán đi vào tuổi thơ tôi như vậy. Vốn chẳng có gì xa xỉ, chiếc bánh rán dân dã thôn quê này có thể tìm thấy ở mọi ngóc ngách vùng miền ở Việt Nam, vào mùa nào tháng nào trong năm cũng có.

Mỗi lần cầm bánh đưa lên tay, tôi lại lắc lắc nhẹ để lắng tai nghe tiếng lọc cọc của viên nhân đậu xanh nhỏ xinh bên trong. Cứ thế rồi bất giác bật cười. Bảo nó là cái bánh, mà đôi khi là đồ chơi cũng đúng.

 

Bánh rán vốn có nhiều loại, dù cùng tên nhưng vẫn khác biệt nhau ở cái mặn ngọt, vỏ dày mỏng, độ giòn dai, hay lớp vỏ bao bọc bên ngoài,… Nhưng cá nhân tôi cho rằng bánh lúc lắc thật ngon, thật đúng vị thì vỏ phải giòn mỏng, dai dai vị bột nếp, thơm ngậy mùi vừng chiên bóng loáng.

Làm vỏ cốt yếu phải là bột nếp loại ngon, ngan ngát hương gạo chẳng lẫn nổi đi đâu. Bột nếp, bột tẻ đem trộn vào nhau, đường hòa vào nước đun cho tan rồi châm chầm chậm vào bột. Vừa châm vừa nhào cho được cái khối quánh dẻo mà chưa thành hình bánh đã khiến người qua kẻ lại phải hít hà ngó nghiêng. Bột nhào xong phải để nghỉ, để ngấm nước, để dai đặc hơn chứ vội mà lấy ra làm luôn là hỏng. Nghỉ một độ, bột mới được đem ra vo viên tròn, bọc nhân, lăn vừng, rán bánh.

Từ những thành phần chính ấy, có thể thêm vào nhiều loại nguyên liệu khác, gia giảm liều lượng, mỗi người một công thức, một bí quyết riêng. Bánh làm ra phải săn tròn căng mọng, và lúc lắc tiếng nhân đậu bên trong.

 

Tôi chẳng rõ bí quyết nơi khác thế nào, chứ bà tôi bảo nó đơn giản lắm. Củ riềng giã nhỏ, ép lấy nước, hòa cái nước ấy vào bột làm bánh, nhào cho đều tay. Vậy thôi là ra được chiếc bánh giòn vỏ đã đời rồi. Tôi ưng lắm, chẳng khoe ai đâu, chỉ tự mình làm thôi!

Nói về nhân thì chẳng còn gì dễ hơn nữa. Đậu xanh vàng ươm đem rửa sạch, ngâm nước vài tiếng cho nở bung. Rồi hấp lên, giã nhuyễn, sên đậu với nước đường cùng chút dầu ăn cho ra được cái hỗn hợp nhuyễn mịn đặc quánh. Thơm lắm, ngon lắm. Ngon đến độ, chẳng mấy khi tôi làm bánh mà phần nhân lại không hao hụt đi một chút. Cứ thế viên vào, rồi chờ nặn bánh xong đem chiên lên. Lúc đó bánh méo mó bao nhiêu cũng tròn xoe ung ủng, căng mọng và “lúc lắc” thấy rõ!

Tuy giờ có vài lần tự tay làm bánh, nếm thử mùi vị mình “sáng chế” ra, nhưng có đôi khi, tôi vẫn khao khát một hương vị gì đó quen thuộc hơn, một gói giấy nâu loang loáng vết dầu thấm, một bóng dáng thấp thoáng đằng xa, một thức nóng hôi hổi phập phồng nơi cánh mũi. Tôi nói tôi nhớ chiếc bánh ngày ấy lắm.

Thu Phạm

>> Tuyệt ngon bánh rán tẩm đường Sa Pa
>> Thơm lừng bánh rán khoai lang
>> 7 bước đơn giản làm bánh rán Doraemon tuyệt ngon

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.