
Lực lượng QLTT kiểm tra một cửa hàng kinh doanh quần áo không rõ xuất xứ, nhãn hiệu trong dịp tết Ất Tỵ
ẢNH: NVCC
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn lực lượng nhằm tổng kết kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Kết quả, từ ngày 1.11.2024 đến ngày 10.2.2025, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 9.902 vụ; phát hiện, xử lý 8.560 vụ vi phạm; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 59 vụ có dấu hiệu hình sự; tổng số tiền xử lý 212 tỉ đồng, trong đó thu nộp ngân sách nhà nước 125 tỉ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 55 tỉ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 32 tỉ đồng.
Một trong những vụ việc nổi bật như: Cục QLTT tỉnh Quảng Trị kiểm tra phương tiện vận tải ngăn chặn gần 2 tấn thực phẩm nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường tiêu thụ. Tại Hà Nội, Cục QLTT TP.Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại Mê Linh, Thanh Trì phát hiện, tạm giữ gần 10 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc; kiểm tra cơ sở kinh doanh, phát hiện, tạm giữ trên 13 tấn thực phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa trên 1,8 tỉ đồng.
Tại Bắc Ninh, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, ngăn chặn kịp thời 3 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y đang trên đường tiêu thụ. Tại Thanh Hóa, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, phát hiện gần 1,8 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu… Tại Quảng Ninh, lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ hơn 2.000 hộp kẹo táo đỏ không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên TikTok, trị giá hàng hóa theo niêm yết trên 345 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, dự kiến từ ngày 1.3, Bộ Công thương sẽ kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục QLTT, thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước. Tuy mô hình vận hành, quản lý có sự thay đổi lớn nhưng nhiệm vụ vẫn quán xuyến, kiểm soát các lĩnh vực trọng điểm như hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là giám sát, kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Bình luận (0)