Lúc nào cũng đói bụng, coi chừng đang mắc bệnh nguy hiểm

27/01/2021 14:09 GMT+7

Đói khi bỏ bữa là bình thường, vì đó là cách cơ thể báo với não rằng dạ dày đang trống rỗng và hệ thống cần nhiên liệu để hoạt động bình thường.

Nhưng nếu luôn cảm thấy đói, ngay cả khi đã ăn đúng giờ thì đó không phải là dấu hiệu tốt, theo Sound Health.
Nhiều lý do y tế có thể gây ra cơn đói. Nếu không được chăm sóc sớm, những bệnh lý này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Sau đây là những bệnh nguy hiểm có thể khiến một người luôn cảm thấy đói.

1. Cường giáp

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp tạo ra nhiều hoóc môn hơn mức cơ thể cần, cũng có thể gây ra cảm giác đói quá mức.
Khi lượng hoóc môn tuyến giáp quá cao, cơ thể đốt cháy calo với tốc độ nhanh hơn nhiều, điều này làm tăng cảm giác đói, theo Sound Health.
Cường giáp là một hội chứng, do nhiều bệnh gây ra, như bướu cổ, bướu nhân độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp…
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng tim mạch với nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.
Khi mức hoóc môn tăng quá cao, có thể đe dọa tính mạng, nếu không kịp thời được chẩn đoán và điều trị. Bệnh bướu cổ có thể gây lồi mắt, chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

2. Hạ đường huyết

Lượng đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết cũng có thể khiến một người cảm thấy đói thường xuyên.
Khi lượng đường trong máu giảm xuống, não sẽ bắt đầu phát tín hiệu rằng cơ thể cần nhiên liệu, khiến người bệnh cảm thấy đói.
Quá nhiều insulin hoặc các loại thuốc tiểu đường có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp.
Nhưng các vấn đề sức khỏe khác như viêm gan và rối loạn thận cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết, theo Sound Health.

3. Bệnh tiểu đường

Thường xuyên đói cồn cào cũng là triệu chứng của cả bệnh tiểu đường.
Thông thường, cơ thể biến đường từ thực phẩm ăn vào thành nhiên liệu là glucose.
Nhưng nếu bị tiểu đường, đường không thể đi vào các tế bào để dự trữ năng lượng. Điều này khiến cơ và các mô khác thèm ăn nhiều hơn.
Lúc nào cũng đói bụng, coi chừng đang mắc bệnh nguy hiểm1

Lượng hoóc môn tuyến giáp quá cao làm tăng cảm giác đói

ẢNH: SHUTTERSTOCK

4. Nhiễm giun sán

Cảm thấy đói, ngay cả sau khi ăn đúng giờ, có thể là dấu hiệu của nhiễm giun trong ruột.
Giun có thể cướp đi các chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể, do đó có thể khiến cảm thấy đói thường xuyên hơn.
Nếu bị nhiễm ký sinh trùng, có thể cảm thấy đói cồn cào, đặc biệt là vào buổi sáng sớm, theo Sound Health.
Cũng có thể không bao giờ cảm thấy no sau khi ăn. Mặc dù ăn nhiều hơn bình thường, có thể bị sụt cân.

5. Ngủ không ngon

Nếu không ngủ đủ giấc hằng ngày, có thể luôn cảm thấy đói.
Ngủ kém có thể gây ra sự gia tăng mức hoóc môn “đói” ghrelin - báo hiệu cảm giác đói đến não khi dạ dày trống rỗng, và giảm mức hoóc môn “no” leptin - gây cảm giác no.
Mức ghrelin cao hơn có nghĩa là thèm ăn hơn, giúp tăng lượng thức ăn và thúc đẩy quá trình lưu trữ chất béo.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng ngủ không đủ giấc khiến mọi người chọn thực phẩm có khả năng gây tăng cân nhất. Vì vậy, hãy đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm.

6. Căng thẳng quá mức

Khi căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ sản xuất và giải phóng nhiều “hoóc môn căng thẳng” cortisol vào máu, làm tăng cảm giác thèm ăn và cũng khiến thèm ăn ngọt, nhiều chất béo và ăn mặn.
Quá nhiều hoóc môn này cũng có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp.
Căng thẳng hoặc trầm cảm cũng làm tăng mức hoóc môn “đói” ghrelin. Đây là lý do tại sao mọi người ăn nhiều hơn trong khi căng thẳng, có thể dẫn đến tăng cân và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Tập thể dục và thiền định có thể giúp kiểm soát mức độ căng thẳng, theo Sound Health.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.