Sau giờ làm việc hành chính, một nhóm “hiệp sĩ” ở TP.HCM lại tập trung ở điểm hẹn là các ngã tư rồi cùng nhau rong ruổi trên nhiều tuyến đường trong đêm...
Sau giờ làm việc hành chính, một nhóm “hiệp sĩ” ở TP.HCM lại tập trung ở điểm hẹn là các ngã tư rồi cùng nhau rong ruổi trên nhiều tuyến đường trong đêm...
“Hiệp sĩ” Sin (thứ 2 từ phải qua) nhận kỷ niệm chương trong chương trình “Gương sáng phố phường năm 2015” - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Khi chúng tôi gọi điện cho Nguyễn Việt Sin (22 tuổi, tạm trú Q.Tân Bình, TP.HCM), người được bầu chọn là gương điển hình trong chương trình “Gương sáng phố phường năm 2015”, thì bên kia đầu dây Sin nói: “Em đang đi rửa xe ô tô cho cơ quan”.
Bắt cướp trong... khách sạn
Gặp chúng tôi, Sin bảo không chỉ anh mà những thành viên trong đội “hiệp sĩ” TP.HCM đều là những người có việc làm ổn định. Một ngày mới bắt đầu, các thành viên trong đội đều tất tả đi làm việc ở các cơ quan, công trình... như hầu hết mọi người. Sau giờ hành chính, những con đường ở Sài Gòn trở nên chật chội, nhiều người hối hả chen nhau về nhà cho kịp bữa cơm chiều. Còn Sin và các “đồng đội” thì cố gắng đi chậm hơn để quan sát mọi thứ xung quanh, vì biết đâu những kẻ cướp đang trà trộn, lợi dụng sơ hở của người lương thiện để ra tay cướp giật tài sản.
Chính vì lòng đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ mà từ đầu năm đến nay, Sin cùng các thành viên trong đội đã kịp thời ngăn chặn và truy bắt thành công hàng chục vụ cướp giật, lừa đảo trên địa bàn TP. Trong đó, điển hình là vụ “phá án” ngoạn mục khi Sin trực tiếp giả làm “người tình” của kẻ đồng tính chuyên dụ dỗ các nạn nhân qua mạng xã hội để chuốc thuốc mê, cướp tài sản.
Cụ thể, chiều 15.11, một thanh niên gọi điện vào đường dây nóng của đội “hiệp sĩ” TP.HCM chia sẻ về việc bị người đàn ông tên Nguyễn Văn Sơn (41 tuổi, quê Nam Định) lừa vào khách sạn quan hệ đồng tính rồi bỏ thuốc mê cướp sạch đồ đạc. Qua trao đổi, đội “hiệp sĩ” TP.HCM hướng dẫn nạn nhân trình báo công an. Đồng thời, cả nhóm bàn bạc lên phương án “tác chiến” bằng việc nhờ một người đồng tính khác gọi điện “làm quen” với Sơn nhưng bất thành. Sau đó, Sin phát hiện Sơn thường hoạt động bằng cách nhắn tin qua Zalo dụ dỗ con mồi nên trực tiếp giả làm người đồng tính nhắn tin qua lại với Sơn.
“Tên này là dân chuyên nghiệp nên rất cảnh giác. Mình phải cố gắng diễn sao cho đạt. Ngôn ngữ, cách nói chuyện qua tin nhắn của mình phải giống như dân trong giới thì mới tạo được lòng tin từ hung thủ”, Sin nói. Chỉ trong một thời gian ngắn, Sơn đã “cắn câu” và dụ Sin đến một khách sạn ở Q.10 để “tâm sự”.
Bước vào phòng khách sạn, chàng “hiệp sĩ” trẻ tuổi hóa thân thành người đồng tính thực thụ. Khi Sơn rủ “chơi hàng đá”, Sin giả vờ nhờ Sơn đi mua chai nước ngọt thì “chơi sẽ phê hơn”. Chiều chuộng “người tình”, Sơn xuống lầu gọi nước ngọt và khi quay trở lại thì bị các đồng đội của Sin khống chế đưa về trụ sở công an làm việc. Tại cơ quan công an, Sơn khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Không lâu sau đó, nhiều bị hại cũng đến trình báo để cơ quan chức năng củng cố hồ sơ kịp thời xử lý.
1 “chọi” 2
Không chỉ mưu trí buộc kẻ đồng tính chuyên cướp tài sản của nạn nhân phải chịu hình phạt trước pháp luật mà Sin còn từng một mình chống chọi với hai tên trộm nhiễm HIV.
Chuyện xảy ra hồi tháng 4.2015, khi thấy hai tên trộm đang rình rập ở khu vực P.13 (Q.Tân Bình), Sin âm thầm theo dõi và truy bắt. Hai tên trộm dùng hung khí chống trả quyết liệt. Dù một mình nhưng Sin không hề nao núng, vẫn giằng co với hai kẻ gian giữa con hẻm. Vào đường cùng, hai tên trộm lấy dao lam rạch vào tay của mình để “tẩm” máu nhiễm HIV, rồi tấn công Sin. Sau một hồi giằng co, Sin đã tóm được hai tên trộm đưa về công an phường lập biên bản xử lý.
Tuy nhiên sau đó, bản thân Sin phải đi điều trị phơi nhiễm HIV hàng tháng trời. “Trước khi làm những điều này, em đã lường trước mọi tình huống đều có thể xảy ra nên không lo lắng nhiều. Chỉ cần bắt được kẻ xấu, buộc chúng phải chịu hình phạt trước pháp luật là em vui rồi”, Sin chia sẻ.
Thông tin về chàng “hiệp sĩ” bắt cướp bị phơi nhiễm HIV nhanh chóng được lên truyền hình. Nghĩ con dính phải căn bệnh thế kỷ nên mẹ của Sin đang bán cơm ở Long An hay tin liền ngất xỉu. Khi tỉnh lại, người mẹ liền gọi điện khuyên đứa con trai duy nhất của bà từ bỏ đam mê “chết người”. “Lúc đó mẹ em khóc lóc, năn nỉ. Mẹ nói chuyện ai người đó làm và kêu em đừng bắt cướp nữa. Mẹ còn nói: “Nhà có mình ên con là con trai. Lỡ con có bề gì thì mẹ không sống nổi”. Và rồi chàng “hiệp sĩ” trẻ tìm mọi cách làm mẹ yên tâm để tiếp tục hành trình của mình như một định mệnh.
Bên cạnh việc trực tiếp ra đường “săn” cướp, nhóm của Sin còn lập trang Facebook “Đội hiệp sĩ TP.HCM” đăng tải những thông tin, hình ảnh về các tình huống, chiêu thức lừa đảo mới của bọn tội phạm để mọi người cùng cảnh giác.
Vừa qua, khi mẫu “Đăng ký đồng hành cùng anh em hiệp sĩ Sài Gòn” được đăng tải lên trang Facebook “Đội hiệp sĩ TP.HCM”, hơn 400 người ở các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã đăng ký tham gia.
Bình luận (0)