Lúng túng xã hội hóa sách giáo khoa, giáo viên thiếu khắp nơi do đâu?

14/03/2023 07:16 GMT+7

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang đi gần hết năm học thứ 3 cũng là lúc Quốc hội "vào cuộc" giám sát việc triển khai thực tế.

Những lúng túng về xã hội hóa sách giáo khoa (SGK), về thiếu giáo viên (GV), cơ sở vật chất được mổ xẻ, phân tích.

Theo kế hoạch, từ 9.3 - 5.4, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông bắt đầu chương trình làm việc với các địa phương.

XÃ HỘI HÓA SGK: "VỪA LÀM VỪA RÚT KINH NGHIỆM"

Theo báo cáo mới đây về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT: việc biên soạn SGK theo chương trình mới (thực hiện một chương trình, nhiều SGK; xã hội hóa việc biên soạn SGK) lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.

Đến nay, theo Bộ GD-ĐT, có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp, thu hút đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn SGK đến từ các trường ĐH sư phạm, các trường ĐH chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia với tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp…

Lúng túng xã hội hóa sách giáo khoa, giáo viên thiếu khắp nơi do đâu? - Ảnh 1.

Theo đánh giá, SGK còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng học sinh hoặc với một số vùng miền

ĐÀO NGỌC THẠCH

Dù thu hút lực lượng tới 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ tiến sĩ trở lên nhưng báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng: SGK còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng HS hoặc chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương, phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với HS. Khi có nhiều bộ SGK, việc thay đổi quan niệm về vai trò tự chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; quan niệm về vai trò SGK từ chỗ lấy SGK làm chuẩn để dạy học và kiểm tra, đánh giá sang việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo nội dung và yêu cầu cần đạt chương trình của GV, cán bộ quản lý, cha mẹ HS và xã hội còn chưa theo kịp yêu cầu mới.

Bộ GD-ĐT thẳng thắn nhìn nhận: "Bên cạnh nguyên nhân khách quan là chương trình, SGK luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm tác động đến từng người dân, gia đình nên phải thực hiện cẩn trọng, trong khi các điều kiện chuẩn bị còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ quan là Bộ GD-ĐT chưa lường hết được sự phức tạp của đổi mới chương trình, SGK nên đôi lúc bị động, lúng túng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm".

THIẾU GIÁO VIÊN ẢNH HƯỞNG NHIỀU ĐẾN CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Ngoài những lo ngại về SGK thì vấn đề lớn nhất mà hầu hết các địa phương, các cấp học đều gặp phải khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông trong suốt 3 năm qua, đặc biệt cứ năm sau lại trầm trọng hơn năm trước là thiếu GV.

Việc thiếu GV diễn ra trầm trọng ở các môn học mới (môn tin học, ngoại ngữ ở cấp tiểu học, môn âm nhạc, mỹ thuật ở cấp THPT). Năm học 2022 - 2023 đã chứng kiến các địa phương phải "giật gấu vá vai" tìm mọi cách xoay xở về GV để dạy tiếng Anh, tin học cho lớp 3 như điều động GV dạy liên trường, GV cấp THCS xuống dạy tiểu học, "biệt phái" GV từ miền xuôi về miền ngược, thậm chí phải nhờ sự "ứng cứu" của các cơ sở giáo dục ở tỉnh, thành khác… Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, cả nước vẫn còn một số địa phương chưa dạy đủ thời lượng quy định đối với môn tiếng Anh cho HS lớp 3.

Bộ GD-ĐT nhìn nhận: "Việc thiếu GV ở các địa phương trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ GV các môn học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018". Hiện, cả nước còn thiếu 106.945 GV. Để thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học, tỷ lệ GV/lớp của tất cả các vùng đều thấp hơn định mức theo quy định (1,5 GV/lớp). Tình hình thiếu GV dự báo sẽ còn căng thẳng hơn ở năm học 2024 - 2025 tới khi tính toán của Bộ GD-ĐT cho biết cả nước cần tuyển thêm 6.621 GV tin học và 5.780 GV ngoại ngữ cấp tiểu học để dạy chương trình bắt buộc ở các lớp 3, 4, 5.

Việc thiếu GV, theo Bộ GD-ĐT, do nhiều nguyên nhân như: quy mô trường, lớp, HS tăng, đặc biệt là ở các khu công nghiệp và đô thị; thiếu biên chế; thiếu cơ chế thu hút; một số địa phương thiếu nguồn tuyển. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương do thực hiện việc tuyển dụng chưa kịp thời, mỗi năm chỉ tuyển 1 đợt, cá biệt có địa phương 2 năm hoặc hơn mới tổ chức tuyển dụng…

Lúng túng xã hội hóa sách giáo khoa, giáo viên thiếu khắp nơi do đâu? - Ảnh 2.

Nhiều trường thiếu giáo viên các môn mới như âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học

THÔNG NGUYỄN

THIẾT BỊ DẠY HỌC "TỐI THIỂU" NHƯNG CŨNG CHỈ ĐẠT HƠN 50%

Một điều kiện quan trọng nữa để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Bộ GD-ĐT đã ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu với từng khối lớp khi thực hiện chương trình mới, nghĩa là những thiết bị cơ bản nhất buộc phải có, tuy nhiên thực tế cả nước chỉ đáp ứng được hơn 50% mức "tối thiểu" này. Cụ thể, Bộ GD-ĐT cho biết tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy cả nước chỉ đáp ứng 54,3%, cụ thể: cấp học tiểu học đáp ứng 56,1%; cấp học THCS đáp ứng 54,3%; cấp học THPT đáp ứng 58,9%.

Nguyên nhân được các địa phương chỉ ra, đó là nguồn kinh phí chi cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có hướng dẫn chi tiết cho việc đấu thầu thiết bị dạy học, cần thiết xây dựng bộ mẫu quy chuẩn; chưa có định mức xây dựng các trường liên cấp…

Lúng túng xã hội hóa sách giáo khoa, giáo viên thiếu khắp nơi do đâu? - Ảnh 3.

Thực tế cả nước chỉ đáp ứng được hơn 50% mức "tối thiểu" thiết bị dạy học với từng khối lớp khi thực hiện chương trình mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong quá trình thực hiện giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về thực trạng này. Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Kạn, cho biết thiết bị dạy học đang có của tỉnh mới đáp ứng được khoảng 10 - 20% yêu cầu. Khó khăn lắm mới sắp xếp được kinh phí nhưng lại không mua sắm được do khó trong đấu thầu. Khó khăn sẽ chồng khó khăn nếu không tìm được giải pháp.

Ngay tại những trường top đầu của Hà Nội thì khó khăn về cơ sở vật chất cũng được chính các trường này phản ánh với đoàn giám sát. Ông Bùi Văn Phúc, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho rằng là trường chuyên nên cơ sở vật chất của nhà trường đã được sự quan tâm đầu tư của thành phố, tốt hơn so với một số trường công lập trên địa bàn nhưng vẫn không thể đáp ứng tất cả nhu cầu đa dạng về việc lựa chọn tổ hợp các môn học tự chọn của học sinh.

Theo báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khó khăn lớn nhất của các trường học hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng chương trình, SGK mới. Tỷ lệ đáp ứng chung thiết bị cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023 toàn thành phố chỉ đạt 71,5% và không đồng đều đối với mỗi cấp học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.