Quan tâm là bởi Trần Thị Ngọc Nữ không chỉ là bị can trong vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại trụ sở TAND tỉnh Bình Thuận (đang được điều tra), mà còn liên quan nhiều vụ việc “nổi cộm” như xây nhà trái phép, bao chiếm đất đai, gây rối trật tự... mà dư luận tại địa phương rất bức xúc.
Việc cơ quan điều tra đưa Trần Thị Ngọc Nữ đi giám định tâm thần sau khi bị can này nộp hồ sơ bệnh là quy trình tố tụng đúng luật và việc bị can này có bệnh tâm thần hay không vẫn đang được cơ quan chuyên môn kết luận. Tuy nhiên, bạn đọc cũng đặt thẳng nhiều vấn đề, như: “Trước đó quậy phá tưng bừng ở Mũi Né thì sao không thấy tâm thần, giờ bị khởi tố bỗng tâm thần?”, “Bệnh tâm thần sao biết xây nhà trái phép trên phần đất lấn chiếm”, “Tâm thần mà biết đến chốn công đường quậy! Tâm thần kiểu này thì đúng là hiếm rồi”... Có ý kiến đề nghị: “Tâm thần thật hay giả sẽ có cơ quan chuyên ngành kết luận. Tuy nhiên, nếu có hành vi giả bệnh tâm thần để cố tình thoát tội thì cần phải xử lý nghiêm hành vi này...”.
Còn nhớ, trong buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác giám định tư pháp với các cơ quan T.Ư mới đây, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tội.
Cụ thể, có đại biểu dẫn báo cáo của Viện KSND tối cao về vụ Lò Văn Dân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được ông Nguyễn Xuân Lợi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cấp giấy chứng nhận xác nhận có 2 đợt điều trị ngoại trú tại bệnh viện, dù bị cáo chưa từng tới khám và điều trị tại đây...
Do vậy, trước những vụ việc giả tâm thần nhằm thoát án đã xảy ra, các băn khoăn, lo lắng của dư luận nêu trên là không thừa và cũng cho thấy trọng trách của cơ quan giám định. Nhưng tôi tin một điều, nếu đã gây tội ác thì “sổ tâm thần” cũng khó có thể thoát được “lưới trời lồng lộng”!
Bình luận (0)