Lượn phố nghe tiếng rao hàng rong Hà Nội

14/09/2019 08:35 GMT+7

Tiếng rao văng vẳng từ đoạn phố xa gọi tên đủ thứ quà vặt, dáng còng còng của người gánh hàng rong ... là Hà Nội trong lưu trữ Paris...

Bước ra từ kho lưu trữ và bài tập

Khi bức vẽ màu nước hiện dần ra trên màn hình, rất nhiều người đã không thể đoán ra mặt hàng của người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội. Bức vẽ có tông vàng nâu và cỏ úa với hình người đàn ông đặt gánh hàng rong xuống đất, cúi xuống múc thứ gì đó. Người bán hàng này chuẩn bị đưa đồ cho hai vị khách hàng - có lẽ là hai cha con. Ở phía dưới có một khuôn nhạc 4 nốt, ứng với 4 tiếng rao “se cấu se cấu”. Cuối cùng, là một chú thích tiếng Pháp “crême à la vanille”. “Nếu như không biết tiếng Pháp thì không thể đoán ra mặt hàng. Nhưng chú thích cho thấy đó là một người bán kem vani”, bà Dương Thị Thủy, chuyên viên văn hóa của Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace), nói.

Tiếng rao của họ bây giờ là thu âm, chả có ai hét lên rao bằng giọng của mình nữa vì quá ồn, tiếng ồn khắp nơi không thể rao như xưa nữa. Nhưng câu chuyện về quá khứ và những tiếng rao vẫn được giữ

Bà Dương Thị Thủy, Chuyên viên văn hóa của Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace)

Có nhiều tư liệu như thế trong triển lãm sắp đặt Gánh hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội. Triển lãm trưng bày những bài tập của 15 sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương và thầy giáo của họ - Ferdinand de Fénis trong khoảng năm 1925 - 1929 cùng nhiều tư liệu ảnh. Triển lãm còn có tư liệu ảnh từ kho tư liệu Viện Viễn Đông Bác cổ Paris. Kho lưu trữ này có 10.300 bức ảnh liên quan đến VN. “Những bức vẽ, tranh màu nước đều do sinh viên vẽ. Thầy giáo giao cho họ chủ đề bán hàng rong. Điểm đặc biệt là một số bức vẽ còn có khuôn nhạc với tiếng rao như bánh mì nóng đây chẳng hạn. Chúng cũng thể hiện sự tương tác, dáng điệu, tư thế đặc trưng của người bán hàng. Có thể thấy chuyển động trong từng bức tranh, tấm ảnh”, ông Olivier Tessier, phụ trách Viễn Đông Bác cổ Pháp tại TP.HCM, cho biết.
Những bản vẽ hàng rong của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương phần lớn không có họ tên tác giả đầy đủ. Tuy nhiên, trong đó có những bức vẽ của ông Tô Ngọc Vân và Lê Phổ - hai người sau này trở thành họa sĩ nổi tiếng. Tất cả các tác phẩm của 15 sinh viên đều cho thấy sự duyên dáng của bút pháp. Những câu chuyện được họ kể cũng rất thú vị.
Lượn phố nghe tiếng rao hàng rong Hà Nội

Tư liệu ảnh về người bán hàng rong

Ảnh: tư liệu triển lãm

Chẳng hạn, trong một bức tranh, người ta thấy những đứa trẻ đang xúm vào một chiếc hộp đang mở. Căn cứ vào hình vẽ chiếc hộp, có thể thấy nó rất giống các hộp đựng kẹo kéo, bánh chín tầng mây mà tới thời bao cấp vẫn còn. Nhờ đó, có thể suy đoán đó là người bán kẹo rong. “Những người bán hàng rong này chủ yếu đến từ các làng phụ cận Hà Nội. Trước năm 1925, đây là vùng nông nghiệp góp phần cung cấp lương thực thực phẩm cho hơn 100.000 dân nội đô”, ban tổ chức cho biết.
Nhưng những người đi rong không chỉ để bán hàng, họ còn có những dịch vụ thu gom phế liệu khác. Trong một bức vẽ, người ta thấy người đàn ông đang gánh đồ, một tay gõ cửa. Những tư liệu đi kèm cho thấy đó là người đi gom chất thải của các nhà. Các gia đình sẽ mang bô ra đổ để người này gánh đi. Một bức vẽ khác lại vẽ người với rất nhiều đồ dùng các cỡ. Qua tiếng rao được ký âm phía dưới, ta biết ông hành nghề hàn chum chậu bát sứ vỡ.

Quá khứ vọng về

Trước khi có triển lãm này, L’Espace cũng từng có triển lãm Kỹ thuật của người An Nam (Henri Oger), trong đó cũng có những tranh vẽ hàng rong. Ban tổ chức cho biết, khi thảo luận để thực hiện triển lãm này, có nói đến việc đưa những bức tranh trước kia vào. Sau đó, do phong cách quá khác nhau, nên chỉ những bức tranh của học sinh Mỹ thuật Đông Dương được chọn.
Lượn phố nghe tiếng rao hàng rong Hà Nội

Một người làm nghề hàn chum chậu bát sứ vỡ

Ảnh: tư liệu triển lãm

Cách trưng bày triển lãm cũng khiến các tác phẩm thú vị hơn nhiều. Một phần tranh được in lại trên giấy dó, đưa vào hộp và chiếu đèn từ bên trong. Một phần nữa được chiếu trên màn hình lớn. Những bức ảnh hàng rong lại được “đóng hộp” và trải thành một con đường. Khi công chúng bước lên trên ảnh, đèn cảm ứng sẽ bật để ảnh được sáng rõ. “Tôi nghĩ, điều đó tạo cảm giác chậm rãi bước đi trên quá khứ”, ông Duy Phương, người thiết kế trưng bày triển lãm, nói.
Trên con đường bằng ảnh tư liệu này chỉ có ảnh đen trắng. Các tác phẩm cũng rất đa dạng. Những gánh hàng rong trước cửa chợ Đồng Xuân. Hàng bán hoa quả. Cô hàng hoa. Người bán bánh cuốn cân... Điều này làm nhớ đến những điều nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết trong cuốn Văn minh vật chất của người Việt. Theo ông Thượng: “Khảo sát trong nước, tôi thấy có một số thành thị sau có sớm truyền thống hàng quà sáng và tối: Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Phủ Lý, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Móng Cái, Sơn Tây, Hà Đông. Nhưng chỉ có Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố trên trở thành một sinh hoạt văn hóa”.
Việc thu âm và phát tiếng rao đã nhiều người làm. Còn trong triển lãm này, âm thanh do ông Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh Cổ nhạc thực hiện không phải từ thực tế, mà chỉ gợi lại. “Vì thế dường như nó có cả yếu tố sân khấu. Bà Thanh Hoài, ông Mạnh Phóng là người thể hiện tiếng rao đó. Họ đã nhiều tuổi rồi và họ có thể tái hiện ký ức của chính họ”, bà Thủy cho biết.
Triển lãm cũng có một chiếc xe đạp - phương tiện hiện nay những người bán hàng rong hay dùng. Nó rất khác với việc gánh đi rong trong hình vẽ của triển lãm. “Ngày xưa, mọi người gánh và đi bộ. Bây giờ, họ đi xe đạp nhưng rồi cũng sẽ trở thành như vậy, không dùng nữa. Rồi sau này có thể hàng rong sẽ đi xe máy hoặc không còn hàng rong nữa. Tiếng rao của họ bây giờ là thu âm, chả có ai hét lên rao bằng giọng của mình nữa vì quá ồn, tiếng ồn khắp nơi không thể rao như xưa nữa. Nhưng câu chuyện về quá khứ và những tiếng rao vẫn được giữ”, bà Thủy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.