Lương bộ trưởng giữa năm 2019 mới 15 triệu, sống được không?

11/01/2019 12:30 GMT+7

Sự bất cập của thang bảng lương cũng như mức lương cơ sở hiện hành luôn được Đảng và Nhà nước bàn tính nhằm cải thiện chính sách đãi ngộ người lao động theo hướng tích cực.

Mục đích là để người hưởng lương dễ sống hơn và sống cho đàng hoàng hơn. Đó là chủ trương đúng và cần thiết. Tuy nhiên, lương muốn tăng đòi hỏi năng suất lao động cũng phải tăng thì lại đang là điều trái chiều. Vì thế, dù có muốn chăng nữa cũng không thể dễ dàng như nhiều người nghĩ.
Bên cạnh đó, trong thực tế, ngoài lương cứng (chưa đủ sống), nhiều người hưởng lương nhà nước còn có khoản ngoài lương bù vào. Đó là chưa kể phía sau thu nhập chính thức, họ còn có khoản khác . Vì thế, lâu dần, chính sách lương cứ điều chỉnh liên tục và dần bị lệch chuẩn. Liệu chúng ta có thể tăng lương mạnh hơn nữa cho người hưởng lương từ ngân sách trong khi năng suất lao động tăng chưa tương xứng được không?
Theo quan điểm cá nhân tôi, điều này vẫn có thể nếu như chúng ta biết tiết kiệm chi tiêu công, biết cách tiêu đúng chỗ, đúng lúc và đầu tư có hiệu quả.
Không thể có chuyện một vị bộ trưởng hoặc tương đương mà lương đến giữa năm 2019 này cũng mới chỉ ở mức xấp xỉ 15 triệu/tháng (chưa bằng 650 USD) mà đã tự khen mình có chế độ xã hội ”ưu việt”. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương có lần đã bày tỏ với các nhà hoạch định chính sách tiền lương quốc gia rằng, “đã đến lúc phải cải cách toàn diện cả thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bội số lương và các khoản phụ cấp nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển”.
Qua các đợt khảo sát về chính sách tiền lương chuẩn bị cho Đề án cải cách tiền lương trình hội nghị TƯ 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận: “Phụ cấp đang làm chính sách tiền lương bị méo mó, chính thành phụ, phụ lại thành chính. Thu nhập ngoài không kiểm soát được”.
Tôi từng được nghe người trong cuộc kể những chuyện bất hợp lý về lương hiện nay trong xã hội ta đối với người hưởng lương từ ngân sách với vô vàn sự bất hợp lý đến mức không thể giải thích nổi. Sau Đại hội X, không hiểu vì đời sống cán bộ khó khăn bên khối Đảng như thế nào, người làm công tác Đảng bỗng nhiên được hưởng phụ cấp ngoài lương. Khoản phụ cấp này không phải bất cứ cán bộ nào cũng có mà chỉ những cán bộ cấp vụ trở xuống, còn cấp phó ban đảng ở T.Ư (và tương đương) trở lên thì lại không có. Người ta lý giải cấp phó ban này lương và đãi ngộ ngoài lương đã “tạm ổn“ cho nên trước mắt chỉ đảm bảo cho cán bộ cấp vụ trở xuống. Vậy là có chuyện vô lý: Lương (trên giấy tờ) của anh vụ trưởng bỗng dưng cao hơn lương của anh phó ban của T.Ư Đảng. Vậy thì chẳng khác nào “phú quý giật lùi” kìm hãm tính phấn đấu của người công chức, viên chức.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì kể: “Các chuyên gia nước ngoài nói tiền lương của Việt Nam quá thấp nhưng phụ cấp lại nhiều, thành ra công chức có sống nhờ vào lương đâu, phần phụ trở thành phần chính”. Và chính do những thứ phụ cấp bất cập này lâu ngày đã phá vỡ đi tất cả những gì nghiêm túc, lành mạnh nhất của thang bảng lương hiện nay .
Có lần, một vị bộ trưởng (từng tham gia Trung ương khóa X và XI) đã kể cho tôi nghe câu chuyện về lương của chính ông. Khi đang là Bí thư tỉnh ủy, lương lúc đó ông đã hưởng hệ số 10,3. Sau Đại hội XI , ông được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn lên làm bộ trưởng. Theo quy định hiện hành, hệ số lương bộ trưởng có 2 mức là 9,7 và 10,3. Lẽ ra, với người đã từng hưởng lương 10,3 của 1 khóa trước, nay được tín nhiệm cao nên mới được chọn và kéo về trung ương thì nên để ông hưởng lương bậc 2 của chức vụ bộ trưởng (10,3). Thế nhưng không hiểu thế nào, ông lại phải quay trở về hưởng lương khởi điểm (bậc 1) của cấp bộ trưởng (9,7). Tôi nghe xong có bảo ông rằng, thế sao bộ của anh không làm văn bản nêu thắc mắc để được giải đáp? Ông cười bảo: "Vì đó lại là trường hợp của chính mình, bảo anh em cấp dưới đi thắc mắc nó kỳ lắm!".
Thực tế cũng cho thấy, đúng như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hồi đầu năm 2018, trong một lần họp về đề án cải tiến chính sách tiền lương, ông cũng không giấu diếm rằng: “Bản thân tôi là bộ trưởng mà lương chỉ 11,69 triệu (nay đã nhích hơn). Với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?”. 
Trở lại câu chuyện làm sao để tăng lương (tạm gọi là khá ổn hơn) như chúng ta đang chuẩn bị tiến hành trong khi năng suất cũng không cao. Tôi cho rằng vẫn có thể làm được và làm tốt thông qua vấn đề tiết kiệm chi ngân sách. Nếu tiết kiệm, chúng ta sẽ dùng khoản đó để bù sang việc chi lương cần tăng.
Tại sao không giảm chi mua xe cho lãnh đạo ở mức thấp hơn nữa hoặc hạn chế tiêu chuẩn sử dụng xe công? Nên tiến hành triệt để đối tượng được dùng xe công đưa đón đi làm bằng cách để họ đi taxi đến công sở và nhà nước chi trả khoản này.
Tại sao phải phân chia đất đai (bán đất giá rẻ) làm nhà ở cho lãnh đạo cấp thứ trưởng trở lên mà không tổ chức đấu thầu thu tiền cho ngân sách? Nhiều khi chỉ cần được mua giá rẻ khoảng 230 - 250m2 đất đô thị ở Hà Nội, người được phân đã kiếm lời vài chục tỉ đồng không khó. Nếu ta đấu thầu công khai, khoản này dư sức trả lương cao cho vị thứ trưởng nọ cả vài nhiệm kỳ.
Điều cốt yếu là qua đó chúng ta triệt tiêu những sự bất cập trong các loại chính sách chế độ bất hợp lý để nó trở về đúng quỹ đạo của nó.
GDP năm 2018 của Việt Nam đạt cao kỷ lục suốt 10 năm qua với con số ấn tượng là 7,08%. Nếu như chúng ta quản lý chi tiêu tốt, đúng chỗ, đúng lúc trên tinh thần triệt để tiết kiệm nguồn thu. Đặc biệt là tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ hưởng lương từ ngân sách thật triệt để thì dù cho năng suất lao động còn hạn chế, tăng chậm, nguồn thu ngân sách chỉ tạm thế nhưng vẫn là chuyện khả thi để chúng ta có thể phục vụ cho tăng lương bởi nguồn thu này mới là thực tế, mới lành mạnh và đích thực của sự tăng trưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.