Lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, gần sát mức kỷ lục 5 năm

01/07/2024 17:42 GMT+7

Ngày 1.7, S&P Global công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng mạnh, từ 50,3 điểm phần trăm trong tháng 5, vọt lên 54,7 điểm.

Kết quả chỉ số không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể, đặc biệt, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.

Theo khảo sát này, số lượng đơn đặt hàng của tháng 6 chỉ đứng sau mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 3.2011. Các báo cáo cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2.2022. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh tương xứng với mức tăng của sản lượng sản xuất, với mức tăng mạnh nhất về sản lượng trong hơn 5,5 năm qua.

Đơn đặt hàng mới đã tạo áp lực lên công suất hoạt động. Trong một số trường hợp, các công ty đã phải tuyển thêm nhân viên, công nhân. Song việc tuyển dụng này được các doanh nghiệp cho biết chỉ là cho công việc tạm thời.

Lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, gần sát mức kỷ lục 5 năm- Ảnh 1.

Lượng đơn hàng mới trong tháng 6 tăng mạnh

NGỌC THẮNG

Báo cáo cũng cho thấy, các công ty cũng đã gia tăng hoạt động mua hàng với tốc độ là nhanh nhất kể từ tháng 6.2022. Tuy vậy, tồn kho hàng mua tiếp tục giảm; tồn kho hàng thành phẩm giảm vì doanh nghiệp bán được hàng lưu kho. Tín hiệu tích cực nữa là tồn kho sau sản xuất đã giảm nhiều nhất trong 3 năm qua.

Tuy nhiên, áp lực gia tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng rất lớn. Báo cáo cho thấy, tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 6 tiếp diễn và đây là tháng tăng thứ 3 liên tiếp và hiện đạt mức cao trong vòng 2 năm qua. Cụ thể, các chi phí về vận tải, giá dầu và chi phí các mặt hàng nhập khẩu tăng. Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng với mức mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Đáng lưu ý, mức tăng giá bán hàng đã được ghi nhận trong 2 tháng liên tiếp.

Tuy quá trình giao hàng đã được rút ngắn dần, tuy nhiên, theo chuyên gia của S&P Global, sự cải thiện hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ ở mức nhỏ khi vẫn có những khó khăn trong khâu vận tải biển quốc tế.

Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá, ngành sản xuất của Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh. Mức độ tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới đã làm bộc lộ tình trạng thiếu nhân viên ở một số công ty và dẫn đến tăng khối lượng công việc cần thực hiện.

Việc tuyển thêm nhân viên để đảm bảo tiến độ các đơn hàng mới tăng, đi cùng với đó là mức lương cơ bản trong tháng 7 tăng sẽ khiến doanh nghiệp tăng gánh nặng chi phí, đặc biệt khi chi phí vận tải tăng khiến giá cả đầu vào tăng thành mức cao của 2 năm.

"Lạm phát tăng có thể làm giảm nhu cầu trong tương lai, nhưng hiện giờ các công ty vẫn sẽ hưởng lợi từ số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 6", ông Andrew Harker nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.