Chán nản, uể oải, làm việc không hiệu quả, thường xuyên suy nghĩ tiêu cực và than vãn… đó là tâm trạng của không ít người trẻ khi cuộc sống, công việc và thu nhập chịu nhiều ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Nhưng, những trạng thái đó không khiến cho bạn tăng lương cao hơn, hay cuộc sống của bạn sẽ tích cực hơn. Vậy bạn nên làm gì?
Biết ơn vì mình vẫn còn công việc để làm
Chị Nguyễn Trang, Trưởng dự án Lambooks (TP.HCM), chia sẻ: “Chúng tôi đang có việc làm là một điều hạnh phúc. Để làm mọi việc hiệu quả trong dịch Covid-19, tôi nghĩ rằng thái độ sống là bớt mong muốn lại, tiết kiệm hơn, biết mình là ai và đang đứng ở đâu. Nếu bạn mơ mộng cao sang, những lúc dịch bệnh dễ bị trầm cảm vì mọi việc không như ý mình".
Để an tâm sống trong những quãng thời gian khó khăn, chị Trang chia sẻ bí quyết là luôn có những khoản tiền dự phòng vì khi an tâm về tài chính thì con người sẽ không lo lắng.
|
"Một số người chỉ bị căng thẳng khi sự cân bằng hàng ngày bị phá vỡ, chẳng hạn, bạn không hài lòng với món ăn hôm nay, nhưng tại sao không nghĩ tới là có nhiều người không có cơm ăn”, chị Trang chia sẻ.
Học thêm những điều mới
ChịTrần Vân Anh, tác giả sách, nhà khởi nghiệp của kênh tư vấn làm đẹp Beauty Review, cho rằng mỗi người trẻ nên tăng cường tương tác với bạn bè, gia đình để sống tích cực và làm được nhiều điều có ích hơn trong bối cảnh dịch Covid-19. "Mỗi người nên tìm ra cho mình một đam mê nào đó ở nhà, như đọc sách, xem phim, trồng cây", chị Vân Anh chia sẻ.
Để giải quyết công việc tại nhà hiệu quả trong mùa dịch, chị Vân Anh cho biết cô luôn lập kế hoạch. “Tôi gạch đầu dòng những thứ mình phải làm xong trong ngày. Làm tới đâu, gạch tới đó. Dù làm việc tại nhà nhưng tôi ăn mặc chỉn chu, không mặc đồ ngủ. Chỗ ngồi làm việc nên là bàn, không nên nằm trên giường làm việc rất dễ uể oải”, chị nói.
|
Nhà khởi nghiệp khuyên người trẻ có thể tìm thêm lĩnh vực gì đó trên internet để học thêm lĩnh vực mới mẻ thay vì dùng mạng xã hội.
“Tôi nghĩ rằng để có những quãng thời gian làm việc hiệu quả, mỗi người cũng phải rất nghiêm khắc với bản thân về thời gian dùng mạng xã hội. Tôi tự quy định bản thân, mỗi ngày chỉ được vào mạng xã hội bao nhiêu lần và mỗi lần bao lâu. Nếu không đặt ra các quy tắc này, chúng ta sẽ dễ bị cuốn đi, lướt Facebook rất nhiều và quên mất đi thực sự thì công việc mình đang làm là gì”, chị Trần Vân Anh nói.
Còn Liên Phạm (30 tuổi, trú TP.HCM) - Travel blogger, MC các giải chạy marathon kiêm phát thanh viên của nhiều chương trình luôn được nhiều người trẻ ngưỡng mộ bởi lối sống tích cực - lưu ý: "Dịch Covid-19 là điều không ai mong muốn, song, cuộc sống vẫn tiếp tục".
"Có thể trong thời gian này, lương, thưởng thấp đi, công việc phải làm từ xa nhưng mỗi người trẻ nên suy nghĩ tích cực, có sức khỏe, có một công việc và một cuộc sống bình yên với gia đình, người thân bây giờ là quan trọng nhất", Liên Phạm chia sẻ.
|
|
Dù làm việc ở nhà nhưng Liên Phạm vẫn đặt chuông báo thức đồng hồ để thức dậy đúng giờ, tập thể dục, tắm rửa, thay đồ như khi đi làm rồi ngồi vào bàn làm việc. "Mùa dịch này, khi hạn chế ra đường, tôi có nhiều thời gian ở nhà nhiều hơn để tranh thủ học thêm một số điều mới khác trên internet. Tôi sắp xếp một phòng thu tại nhà để thu âm vào buổi tối để tiếp tục công việc phát thanh. Để cùng nâng cao sức khỏe, sức đề kháng mùa dịch, tôi cũng tự tay nấu những bữa ăn lành mạnh”, nữ Travel blogger nói.
Tăng cường những sợi dây kết nối
Đối với những người sử dụng lao động và nhà quản lý, các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên để giữ chân người trẻ trong bối cảnh họ phải làm việc từ nhà và quỹ lương - thưởng vẫn “thắt chặt hầu bao”.
"Người trẻ luôn mong nhận được sự phản hồi thường xuyên. Cũng như tình yêu, việc phản hồi để “đơm hoa kết quả”, cần chú trọng các yếu tố là đúng người, đúng thời điểm. Việc thường xuyên trao đổi, tiếp nhận phản hồi sẽ là sợi dây thắt chặt thêm sự liên kết để cùng giải quyết công việc hiệu quả, dù là chúng ta đang phải làm từ xa trong dịch Covid-19", chị Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc hợp tác chiến lược của công ty tư vấn nhân sự Talentnet tại Việt Nam, chia sẻ.
|
Bên cạnh đó, chị An Hà nhắc tới công thức “3P” gồm Purpose (mục đích), People (con người) và Process (quy trình) cũng sẽ giúp mỗi đơn vị đạt hiệu quả tối ưu khi phản hồi cho nhân viên.
“Cũng giống như những người lạc đường đang cần định vị GPS, các bạn nhân viên trẻ cần phản hồi từ cấp trên để biết mình đang ở đâu và con đường kế tiếp phải đi là gì để về đích. Quản lý trực tiếp chính là “GPS” giúp các bạn trẻ nhìn rõ đường đi nước bước, từ đó nâng cao hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển chung”, chị An Hà chia sẻ bí quyết làm việc.
Bình luận (0)