Sự kiện này được coi là bước ngoặt lịch sử đối với EU. Trước đấy, EU đã nhiều lần mở rộng tổ chức nhưng chưa khi nào thu nạp cùng lúc đông thành viên mới đến vậy. Từ đó đến nay, EU chỉ kết nạp thêm 3 thành viên nữa.
Trong số 10 thành viên gia nhập năm 2004, ngoại trừ Síp, Malta và Slovenia ra, 7 nước còn lại đều thuộc khu vực Baltic, Đông Âu và Đông Nam Âu gắn kết với Liên Xô trước đây. Vì thế, EU coi lần mở rộng này là việc "Phương Đông trở thành phương Tây". Ý nghĩa chính trị, dư luận và tâm lý của sự kiện được EU đề cao. Các thành viên mới cũng dùng việc gia nhập EU này, giống như việc gia nhập NATO, làm biểu tượng cho quyết định cách biệt với Nga để xích lại gần phương Tây.
Tuy vậy, 15 năm sau khi gia nhập liên minh, các thành viên này dù đều được tận lợi từ EU nhưng không còn ảo tưởng về EU như xưa nữa. Sau thời gian ngắn tăng trưởng mạnh mẽ là thời kỳ khủng hoảng kinh tế, gia tăng khoảng cách thịnh vượng giữa các thành viên cũ và thành viên mới cũng như phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Giá cả sinh hoạt leo thang, thu nhập giảm và lo ngại về tương lai gia tăng đã gây ra những biến động ở các nước thành viên này. Họ co cụm và tập hợp nhau lại để tạo đối trọng với EU, thực hiện lợi ích riêng, khôi phục và tăng cường vai trò của nhà nước quốc gia, bất đồng với không ít chính sách chung của EU. Lượng tăng nhưng chất không nhờ thế được tăng đối với EU.
Bình luận (0)