Tiền lương công chức chỉ đảm bảo 50% nhu cầu sống
Theo ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tiền lương công chức hiện nay quá thấp, không đủ sống (mới đảm bảo khoảng 50 - 60% nhu cầu), không đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy.
“Tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt. Do đó, các giá trị xã hội của công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển, trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước”, ông Phúc nói.
Ngoài ra, ông Phúc cho rằng, thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương… ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn, không phản ánh vị trí việc làm của cán bộ, công chức. Hiện có quá nhiều loại phụ cấp (khoảng 18 loại) như: phụ cấp công an, quân đội, một số nghề nguy hiểm, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực đắt đỏ, phụ cấp vùng khó khăn... cần xem xét, tính toán lại cho phù hợp.
Mặc dù chưa có cuộc khảo sát, điều tra chính thức về mức sống của cán bộ, công chức, nhưng theo tiến sĩ Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế T.Ư), hầu hết cán bộ, công chức đều có nhà ở kiên cố, có xe máy và rất nhiều người có ô tô riêng.
Dẫn chứng từ kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ năm 2012 về “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” được Hội đồng khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu và đánh giá xuất sắc, với 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, ông Huyên nhìn nhận, phần lớn cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương nhưng chưa được kiểm soát. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc một khoản thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức bị bỏ sót.
Nhìn từ góc độ cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng đối với chính sách tiền lương - thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài Chính) chia sẻ: “Tiền lương, thu nhập là mục đích làm việc trực tiếp và mối quan quan tâm hết sức cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức, nó ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng - một số lượng hoạt động dịch vụ, vì vậy tác động đến phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách tiền lương thu nhập thấp sẽ dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn thu nhập khác để bổ sung, tham ô tham nhũng có nguyên nhân từ đây”.
Cần một chính sách tiền lương sạch
Giáo sư Trần Xuân Cầu, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, sau 8 năm, từ 2008 - 2016, mức lương cơ sở tăng từ 540.000 đồng lên 1,21 triệu đồng, một mức tăng không hề nhỏ so với tốc độ tăng trưởng thời gian đó. Tuy nhiên, trong 8 năm qua, có những bất bình thường trong tăng lương, lúc tăng liên tục, lúc nhỏ giọt, lúc không tăng.
“Mức bình quân năm thời kỳ đó là gần 84.000 đồng, trong đó tăng cao nhất là 220.000 đồng và mức tăng thấp nhấp là 60.000 đồng. Ở đây không chỉ có mức tăng khác nhau và vấn đề quan trọng là thời điểm tăng. Nếu trước năm 2013, năm nào cũng tăng lương tối thiểu, bình quân hơn 100.000 đồng/năm, thì từ năm 2013 đến 2016, chỉ tăng 60.000 đồng. Bình quân mỗi năm tăng 20.000 đồng”, giáo sư Cầu phân tích.
Theo ông Cầu, dù ai cũng được thụ hưởng khi mức lương tối thiểu tăng, nhưng chỉ có những người không thể có nguồn thu khác ngoài lương được chi trả mới quan tâm nhiều đến tăng lương tối thiểu. Còn lại ít quan tâm, bởi hầu như không ai sống bằng lương.
“Thực tế ở Việt Nam, những cán bộ, công chức, viên chức giàu có không ít nên họ không quan tâm tới tăng lương tối thiểu để họ được hưởng lợi từ việc tăng lương. Rõ ràng chính sách tiền lương của Việt Nam nói chung và chính sách tiền lương tối thiểu nói riêng đang có vấn đề”, giáo sư Cầu nói.
Vẫn theo ông Cầu, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó có quản lý nhà nước yếu kém, do kỷ cương phép nước không nghiêm, đặc biệt là chính sách tiền lương chậm đổi mới, đã thay đổi diện mạo cán bộ, công chức và viên chức theo hướng méo mó. Theo vị giáo sư này, sẽ là vô nghĩa nếu cải cách chính sách tiền lương không gắn liền với cải cách hành chính và tinh giảm biên chế, tăng cường quản lý cán bộ, nếu không sẽ như muối bỏ biển.
Để giải quyết bài toán tiền lương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: “Cần phải xây dựng một chính sách lương sạch, đủ cao so với các đối tượng lao động khác để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện 4 không: không được, không thể, không muốn, không dám tham nhũng. Một khi chính sách tiền lương - thu nhập hợp lý sẽ tạo được tiền đề tích cực cho loại bỏ tham nhũng khỏi bộ máy”.
Ông Thang Văn Phúc bày tỏ: “Hơn 15 năm nay, chúng ta chưa giải được bài toán cải cách tiền lương. Hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ thấp, hệ thống tiền lương cần được thiết kế một cách khoa học, phù hợp và đơn giản. Đề án cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức hiện nay là cấp thiết - cần có một đề án cải cách một cách cơ bản, đúng với nhận thức mới về tiền lương, phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước khi Việt Nam hội nhập với thế giới”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trên ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong thời gian tới.
tin liên quan
Đề xuất tăng lương cơ sở thêm 60.000 đồng/thángBộ Nội vụ đề xuất mức lương cơ sở tăng thêm 60.000 đồng, từ 1,15 triệu đồng lên 1,21 triệu đồng/tháng từ 1.5.2016
Bình luận (0)