Lương 'khủng' để hút nhân tài

Nhằm thu hút nhân tài tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kể từ năm nay TP.HCM dùng ngân sách trả lương lên đến 150 triệu đồng/tháng cho các chuyên gia đầu ngành.

Nhằm thu hút nhân tài tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kể từ năm nay TP.HCM dùng ngân sách trả lương lên đến 150 triệu đồng/tháng cho các chuyên gia đầu ngành.

Lương 'khủng' để hút nhân tài
Lãnh đạo Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM giới thiệu với Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải những sản phẩm của trung tâm -  Ảnh: Mai Vọng
Theo quyết định của UBND TP.HCM, 4 đơn vị là Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán, Trung tâm công nghệ sinh học được thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học công nghệ (KHCN) vào làm việc, bắt đầu từ năm 2015.
Ưu đãi về lương, phụ cấp, đi lại...

Nội dung Nếu đưa các chuyên gia đầu ngành vào môi trường họp hành,
kiểm điểm suốt ngày thì họ không chịu làm đâu, mà nếu có chịu làm thì cũng không sáng tạo được. Như vậy thì vừa thui chột tài năng của họ mà mình cũng không có được kết quả gì khả quan

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Theo đó, chuyên gia trong nước hoặc là người VN ở nước ngoài tham gia hoạt động tại 4 đơn vị nêu trên được hưởng ưu đãi về lương, phụ cấp, đi lại; được hưởng thu nhập theo thỏa thuận trực tiếp giữa thủ trưởng đơn vị với các chuyên gia nhưng không quá 150 triệu đồng/tháng. Hằng năm, căn cứ yêu cầu xây dựng và phát triển, 4 đơn vị nói trên xây dựng kế hoạch và nhu cầu thu hút chuyên gia của đơn vị mình gửi Sở KH-CN, Sở Nội vụ tổng hợp trình UBND TP phê duyệt.
Ứng viên là các chuyên gia có trình độ tiến sĩ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động của từng đơn vị, có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới (các tạp chí do Viện Thông tin khoa học quốc tế ISI xếp hạng), sáng chế được công nhận, có công trình nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp công nghệ cao, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực công nghệ cao khác.
Các trường hợp trình độ chưa là tiến sĩ (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ) thì phải có công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc đã được nghiệm thu, hoặc sáng chế được công nhận đem lại hiệu quả cao, hoặc có chuyên môn sâu; có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, ươm tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế chế tạo sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Ngoài ra, ứng viên được chọn còn phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: Có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về KHCN thuộc lĩnh vực tham gia hoạt động KHCN; đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu có uy tín ở trong nước và quốc tế; đồng thời chủ trì hoặc tham gia nhiệm vụ KHCN (là những vấn đề cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KHCN), đề án, công trình trọng điểm, công trình nghiên cứu cấp quốc gia, cấp nhà nước được nghiệm thu và đưa vào áp dụng có hiệu quả…
Tạo ra đột phá về khoa học công nghệ
Họ có được xem là chuyên gia không ?
TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, không ngần ngại nói về sự lúng túng trước chủ trương của TP trả lương đến 150 triệu đồng cho chuyên gia đầu ngành. Ông đặt vấn đề: Trung tâm hiện có đội ngũ gần 100 cán bộ nghiên cứu khoa học, trong số đó có những người là tiến sĩ, trình độ chuyên môn rất giỏi, có những bài báo khoa học. Vậy họ có được xem là chuyên gia hay không, hay chỉ là cán bộ, viên chức? Nếu là cán bộ, viên chức thì lương của tiến sĩ hiện nay vào biên chế bậc 1 là hệ số 3.0 nhân với 1,15 triệu đồng. “Trung tâm rất cần có những chuyên gia giỏi để giúp thực hiện những đề tài, công việc cụ thể nào đó, chứ nếu như để làm việc dài hạn thì phải chuyển sang dạng cán bộ viên chức theo quy định của nhà nước”, TS Xô nói.
Lãnh đạo một đơn vị khác được chọn thí điểm thì nhìn nhận chủ trương của TP là đúng để tạo ra những bước đột phá, nhưng đề nghị nên có quy định rõ ràng về cách phân hạng giáo sư có kinh nghiệm, như hạng 1 trả mức lương 150 triệu đồng, hạng 2 là 120 triệu đồng, hạng 3 là 100 triệu đồng, hạng 4 là 80 triệu đồng... thì mới có thể kêu gọi được nhiều người về làm việc lâu dài. “Cần có một hội đồng đánh giá các mức hạng đó thì các đơn vị sẽ dễ dàng thực hiện hơn, thay vì giao cho giám đốc đơn vị quyết định mà nhiều khi giám đốc đơn vị rất lúng túng”, vị lãnh đạo này nói.
MAI VỌNG
Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết TP đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng cao (trung bình 30%/năm), trong đó trọng tâm là xây dựng công viên phần mềm trọng điểm quốc gia trên cơ sở hoàn thiện công viên phần mềm Quang Trung; tập trung phát triển công nghiệp vi mạch điện tử, xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên tại VN; doanh thu của riêng ngành vi mạch điện tử đạt tối thiểu 120 triệu USD/năm, thu hút ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia vào đầu tư; ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp KHCN, đào tạo được khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử...
Việc thí điểm trả lương đến 150 triệu đồng/tháng, theo ông Hà, là để thu hút được chuyên gia đầu ngành đến làm việc, qua đó có thể tạo ra đột phá về KHCN. Khi mời các chuyên gia thì gắn liền với những công việc, dự án cụ thể, chứ không mời chung chung rồi lấy ngân sách chi trả lương ở mức cao. Ông Hà cho rằng ngân sách không hạn chế việc phát triển KHCN nếu như thu hút được chuyên gia hàng đầu phục vụ cho chính sự phát triển của TP hoặc các dự án mà TP đang triển khai. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao tuyển chọn được chuyên gia đúng yêu cầu và khi đã được như vậy rồi thì phải tạo môi trường làm việc tốt để giữ chân họ lại.
“Nếu đưa các chuyên gia đầu ngành vào môi trường họp hành, kiểm điểm suốt ngày thì họ không chịu làm đâu, mà nếu có chịu làm thì cũng không sáng tạo được. Như vậy thì vừa thui chột tài năng của họ mà mình cũng không có được kết quả gì khả quan”, ông Hà nói và khẳng định các chuyên gia được đảm bảo các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị và vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm, hệ thống thông tin và các điều kiện cần thiết khác. Nếu giữ chức vụ lãnh đạo hoặc phụ trách nhóm nghiên cứu khoa học thì được chủ động lựa chọn, đào tạo nhóm làm việc phù hợp chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách và quản lý trên cơ sở khoa học, minh bạch và chuẩn mực quốc tế. Đối với các kết quả nghiên cứu và công nghệ được chuyển giao sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; đồng thời được hỗ trợ kinh phí tham gia ươm tạo công nghệ tại các cơ sở ươm tạo công nghệ cho các kết quả nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ có khả năng thương mại hóa theo quy định của nhà nước.
“Tiền chỉ là một trong những điều kiện thu hút nhân tài mà thôi. Quan trọng là tạo được một môi trường thuận lợi nhất để phát triển KHCN, thu hút chuyên gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ nước ngoài đến TP tự đầu tư, sản xuất tạo ra sản phẩm công nghệ với khả năng tự lo liệu nhiều hơn, chứ không hẳn chỉ về để được nhận lương từ ngân sách. Làm được vậy mới tạo được sức bật, đẩy mạnh được KHCN phát triển một cách toàn diện”, ông Hà nhìn nhận.
 
Ngang với Nhật Bản, Hàn Quốc
10 năm trước, TS Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, từ bỏ công việc, nhà cửa ở Canada cùng gia đình về VN với tâm huyết đem những kinh nghiệm, kiến thức hỗ trợ, giúp ngành này trong nước phát triển. Ông là một trong những người đi đầu xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM trở thành một trung tâm nghiên cứu ngang tầm quốc tế, có khả năng ứng dụng và chuyển giao các sản phẩm trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y dược... với công nghệ tiên tiến về gien, công nghệ vắc xin, công nghệ tế bào... Đến nay, trong số gần 60 thạc sĩ, tiến sĩ làm việc tại trung tâm, riêng TS Bình trực tiếp hướng dẫn, đào tạo khoảng hơn 20 người.
TS Bình nói ông xác định ngay từ đầu khi về nước là để cống hiến, nên không đặt nặng vấn đề tiền lương, dù biết không ai không cần có thu nhập để đảm bảo cho cuộc sống. Tuy vậy, ông trải lòng: “Lương của mình hiện 21 triệu đồng/tháng. Với mức lương này rất khó kêu gọi một người đương chức ở nước ngoài về làm việc. Một giáo sư đang làm công tác nghiên cứu ở Hàn Quốc, lương trung bình 60.000 - 70.000 USD/năm, nếu mời về VN làm việc mình phải trả 5.000 - 7.000 USD/tháng thì họ mới về”.
Năm 2003, GS-TSKH Đặng Lương Mô (có hơn 300 công trình nghiên cứu, hơn 10 bằng phát minh, sáng chế về lĩnh vực điện tử tại Nhật Bản) từ Nhật về hẳn VN với mong muốn góp sức phát triển lĩnh vực kỹ thuật điện tử nước nhà. Năm 2005, ông đề xuất, đặt nền móng cho việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDEC, thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) để nghiên cứu chuyên sâu về vi mạch và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển công nghiệp vi mạch và công nghiệp ứng dụng vi mạch. Những thành tựu nổi bật của ICDEC như sở hữu trên 50 bản thiết kế (IP) có giá trị khoảng 40 triệu USD, công nghệ thiết kế 10 loại chip khác nhau... có công đóng góp của GS-TSKH Đặng Lương Mô với vai trò là cố vấn cao cấp.
Đánh giá về mức lương thu hút chuyên gia đầu ngành của TP.HCM, GS-TSKH Đặng Lương Mô nói: “Tuyệt vời! Theo tôi, mức lương của TP.HCM trả không thua kém gì mức thu nhập ở Nhật Bản rồi. Đối với Việt kiều, tôi thấy mức lương như vậy cộng với giá trị tính theo mãi lực ở trong nước, thì khá hấp dẫn”. Tuy nhiên, GS-TSKH Mô lưu ý về “an cư, lạc nghiệp”, để một người có thể an tâm phục vụ, thì trước hết phải có một chỗ ở tươm tất, bên cạnh mức lương hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.