Cảng cá Lạch Bạng được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2013 với tổng vốn đầu tư trên 600 tỉ đồng. Đây là cảng hậu cần nghề cá lớn nhất Thanh Hóa, được quy hoạch trên diện tích hơn 44 ha, với nhiều hạng mục công trình đồng bộ, có khả năng phục vụ hậu cần cho khoảng 800 phương tiện nghề cá ra vào cảng mỗi ngày.
Cảng Lạch Bạng không chỉ là nơi neo đậu của tàu cá của H.Tĩnh Gia mà còn phục vụ nhiều tàu cá của các tỉnh khác vào neo đậu, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, theo số liệu của Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và xây dựng giao thông Thanh Hóa, hiện tình trạng bồi lắng luồng ra vào cảng Lạch Bạng đang diễn ra rất nghiêm trọng, tốc độ bồi lắng ngày một nhanh do luồng cạn. Cụ thể, trên một đoạn dài gần 1 km (luồng rộng 30 m) cát và bùn đất đã bồi lắng, có nơi lên đến 3,45 m. Ước tính khối lượng bùn, cát phải nạo vét lên tới trên 50.000 mét khối.
Ông Vũ Văn Việt, chủ một tàu cá có công suất 450 CV tại xã Hải Bình cho biết, luồng lạch bị bồi lắng, ngư dân không thể chủ động trong việc ra vào cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh bắt, thu mua hải sản của bà con. “Chúng tôi phải đợi thủy triều lên lớn mới dám cho tàu bè ra vào cảng. Nhiều tàu lớn, chở đầy hải sản không dám vào cảng sau hàng tuần lênh đênh trên biển, mà phải đậu ngoài xa, sau đó mượn thuyền nhỏ chuyên chở sản phẩm vào bờ, rất vất vả và tốn kém”, ông Việt nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết, trong năm 2015, có hàng chục tàu thuyền của ngư dân bị mắc cạn, trong đó nhiều tàu bị thủng đáy, vỡ mạn, gây thiệt hại cho bà con ngư dân. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay đã có hơn 20 tàu bị mắc cạn, trong đó có 6 tàu bị thủng đáy, vỡ mạn, phải thuê tàu trục vớt vào bờ sửa chữa, gây thiệt hại từ 1 - 2,5 tỉ đồng/tàu. Luồng lạch bị bồi lắng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá ở cảng cá Lạch Bạng. Các tàu thu mua ở các tỉnh bạn không dám ra vào cảng, dẫn tới một số nhà máy chế biến tinh bột cá trên địa bàn bị thiếu nguyên liệu, nhiều công nhân phải nghỉ việc.
“Chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cắm phao cảnh báo nguy hiểm cho ngư dân. Những hôm trời yên, biển lặng thì không sao, nhưng khi biển động, thời tiết xấu là nhiều tàu cá lại bị mắc cạn vì đi chệch phao tiêu. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng nạo vét luồng lạch để ngư dân yên tâm ra vào cảng”, ông Chi kiến nghị.
Bình luận (0)