Lương ngàn USD, kỹ sư CNTT vẫn 'chê' chưa tương xứng

13/03/2019 19:27 GMT+7

Nhiều vị trí kỹ sư trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam đang được trả lương lên tới hàng ngàn USD, song các ứng viên cho rằng, mức lương này vẫn chưa tương xứng.

Chiều nay, 13.3, VietnamWorks - trang web tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam đã công bố "Báo cáo thị trường nhân lực ngành CNTT năm 2019”. Báo cáo dựa trên dữ liệu về các công việc thuộc ngành CNTT đăng tuyển trên trang www.vietnamworks.com; và khảo sát nhóm nhà tuyển dụng và ứng viên thuộc lĩnh vực CNTT, mức lương của ngành công nghệ thông tin năm 2019.

Kỹ sư Blockchain và trí tuệ nhân tạo mức lương cao nhất

Theo thống kê mức lương dựa trên chuyên môn, nhóm kỹ sư có chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhận mức lương cao nhất và cao hơn so với các nhóm chuyên môn khác.
Dẫn đầu là nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Blockchain nhận mức lương trung bình là 2.241 USD (khoảng 53 triệu đồng/tháng). Nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI có mức lương 1.844 USD (43,5 triệu đồng). Đứng vị trí thứ 3 là nhóm lập trình viên Full Stack với mức lương 1.642 USD (39 triệu đồng).
Nếu tính theo vai trò việc, top 3 các vị trí có mức lương cao nhất lần lượt là: kiến trúc sư giải pháp với mức lương 1.753 USD (hơn 41 triệu đồng); kỹ sư Agile/Scrum với mức lương 1.500 USD (35,5 triệu đồng); quản lý dự án với mức lương 1.372 USD (hơn 32 triệu đồng).
Theo đại diện VietnamWorks, khi khảo sát về mức lương đang được nhận và mức lương mong đợi theo cấp bậc; ngôn ngữ lập trình; chuyên môn phổ biến;… hầu hết người tham gia khảo sát đều cho rằng họ đang nhận được mức lương không đúng như mong đợi. Mức chênh lệch thấp nhất vào khoảng 300 USD (7 triệu đồng) và cao nhất vào khoảng 1.000 USD (23,6 triệu đồng)
Đáng chú ý như nhóm kỹ sư cấp quản lý tại TP.HCM mong đợi mức lương 2.625 USD (62 triệu đồng), nhưng thực nhận là 1.550 USD (36,5 triệu đồng), tức đang chênh lệch vào khoảng 1.075 USD (25 triệu đồng); nhóm kỹ sư Front-end tại Hà Nội mong đợi mức lương 1.385 USD (33 triệu đồng) nhưng đang nhận mức lương là 635 USD (15 triệu đồng), tức là chưa bằng 1/2 so với mong đợi và chênh đến 750 USD (18 triệu đồng).
Tương tự, trường hợp chỉ nhận lương chưa bằng 1/2 so với mong đợi là nhóm kỹ sư ngôn ngữ JavaScript với mong đợi là 1.555 USD (37 triệu đồng) trong khi thực tế đang nhận 725 USD (17 triệu đồng).

60% có ý định chuyển việc

Theo khảo sát, có đến 59% nhân lực ngành CNTT chưa nhận được chế độ lương làm thêm ngoài giờ, hơn 1/4  người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy không hài lòng với việc không nhận được lương ngoài giờ này.
Top 3 các chế độ thưởng đang được áp dụng nhiều nhất tại các doanh nghiệp lần lượt là: thưởng lương tháng 13 chiếm đến 81% ý kiến khảo sát; thưởng tết chiếm 40%; và thưởng theo dự án chiếm 26%
Gần 1/2 nhân lực IT cho biết họ cảm thấy “tạm hài lòng” (40%) và “hoàn toàn hài lòng” (8%) với chế độ thưởng hiện tại, số còn lại cảm thấy bình thường và không hài lòng ở mức độ khác nhau. Nhóm không hài lòng chiếm 20% cho biết lý do bởi vì “mức lương thưởng quá thấp” và “quá ít loại thưởng”.
Khi được hỏi về ý định chuyển việc trong 6 tháng tới, có đến 60% cho biết họ có ý định chuyển việc. Nguyên nhân chính được người tham gia khảo sát cho biết lần lượt là: muốn có mức lương cao hơn (chiếm 47%), muốn thăng tiến (chiếm 15) và muốn làm mới môi trường làm việc (chiếm 10%).
Theo ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT ngày càng tăng cao hơn trong kỷ nguyên số hóa dẫn đến việc thu hút và giữ chân nhân tài cũng gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, sự khan hiếm nhân lực có chuyên môn công nghệ mới (như blockchain và AI) dẫn đến sự mất cân đối về mức lương trên thị trường và tiềm ẩn nguy cơ nhóm nhân lực có chuyên môn “không còn là xu hướng” sẽ thất nghiệp hoặc trả mức lương thấp hơn.
Từ kết quả báo cáo về thị trường nhân lực ngành CNTT, ông Gaku Echizenya khuyến cáo: "Mức lương thưởng và chế độ lương làm thêm ngoài giờ cần được doanh nghiệp cải thiện tốt hơn nhằm đáp ứng mong đợi của người lao động. Đối với những chuyên môn công nghệ mới, doanh nghiệp có thể chủ động đào tạo cho những nhân tài tiềm năng nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực có chuyên môn không còn là xu hướng...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.