Nguyên liệu chính làm nên món này là cây lường phảnh - một loại cây giống như rau dền phơi khô. Bên cạnh cây lường phảnh, các phụ liệu kèm theo cũng không kém phần quan trọng. Người ta thường cho thêm vào một số vị thuốc bắc như đương quy, thục địa, để tạo nên hương vị đặc trưng.
|
Từng công đoạn làm lường phảnh khá tỉ mẩn. Trước tiên, cây được rửa sạch, cho vào nồi nấu rồi sau đó cho thêm các vị thuốc bắc vào. Sau cùng cho nước tro tàu đã lọc vào nồi với tỷ lệ vừa phải. Nếu không quen tay, cho nước tro tàu nhiều hay ít quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của mẻ lường phảnh. Khi nấu, phải canh cho nồi lường phảnh vừa chín tới, không được rục quá, sau đó tắt bếp, dùng bao vải lọc lấy nước. Độ vài giờ sau, chất nước ấy đông đặc lại thành khối có màu đen lóng lánh là có thể đem ra dùng.
Lường phảnh ngon hay không phần nhiều phụ thuộc vào nước đường chan ăn cùng. Người có kinh nghiệm thường chọn loại đường bát ở xứ Quảng để nấu. Đường bát chặt nhỏ cho nước vào thắng sao cho có độ keo, ngọt lịm nhưng không bị khét. Trong nồi nước đường bao giờ cũng có thêm một ít gừng cho có vị cay, tăng thêm phần ý vị.
Lường phảnh có thể ăn liền hoặc để trong ngăn lạnh dùng dần. Khi ăn thường cắt ra từng khối nhỏ hình chữ nhật hay hình vuông. Thi thoảng người ta còn cho thêm một vài miếng xu xoa cùng một ít hạt é rồi mới chan nước đường.
Ai lần đầu thưởng thức cũng không khỏi ngạc nhiên trước một chén lường phảnh khá bắt mắt với màu đen bóng xen lẫn màu hổ phách của nước đường. Vậy là không thể chần chừ hơn nữa, từng khối lường phảnh sừn sựt nơi đầu lưỡi, hương vị ngọt ngào của đường, cay cay của gừng pha lẫn hương thanh nhẹ của các vị thuốc bắc còn đọng mãi trong lòng thực khách...
Phan Thị Thanh Ly
>> Quán Cao lầu Sake - Một góc Hội An ở Sài Thành
>> Mì Quảng trộn
Bình luận (0)