Lương phó giáo sư bằng nửa sinh viên ra trường ?

13/02/2015 10:53 GMT+7

(TNO) Một phó giáo sư (PGS) ngành trồng trọt vừa được công nhận học hàm ở Đại học Thái Nguyên tâm sự trên báo rằng để duy trì đam mê khoa học, anh phải làm thêm nhiều việc, kể cả trái nghề để có thêm tiền lo cho gia đình và phụ giúp công tác của chính mình. Bởi lương PGS như anh bây giờ không bằng phân nửa lương của học trò anh vừa ra trường, đi làm cho doanh nghiệp.

(TNO) Một phó giáo sư (PGS) ngành trồng trọt vừa được công nhận học hàm ở Đại học Thái Nguyên tâm sự trên báo rằng để duy trì đam mê khoa học, anh phải làm thêm nhiều việc, kể cả trái nghề để có thêm tiền lo cho gia đình và phụ giúp công tác của chính mình. Bởi lương PGS như anh bây giờ không bằng phân nửa lương của học trò anh vừa ra trường, đi làm cho doanh nghiệp.

 Lễ công nhận và trao quyết định bổ nhiệm chức danh phó giáo sư cho 10 cán bộ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội. Trong ảnh: Phó chủ tịch Viện tặng hoa cho phó giáo sư trẻ về văn hóa học Phạm Quỳnh Phương - Ảnh: QP
Theo giáo sư (GS) Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN), sau 38 năm, từ năm 1976 cho đến hết 2014, tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.097 người, gồm 1.628 GS và 9.469 PGS, trong số đó nhiều người đã mất và về hưu.
Theo GS Nhung, việc số lượng GS, PGS được tăng lên hằng năm là một chủ trương hoàn toàn phù hợp với nhu cầu giảng viên đại học (ĐH) và thông lệ quốc tế, để góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Năm 2013, tổng số sinh viên ĐH là 1.730.000, số giảng viên ĐH gần 74.630, trong đó có 4.155 GS-PGS. Như vậy, với dân số khoảng 90 triệu người, có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên 1 vạn dân (nếu kể cả số GS, PGS đã mất hoặc nghỉ hưu). Không quá 5,6% giảng viên ĐH là GS hoặc PGS. 416 sinh viên (nếu kể cả giảng viên thỉnh giảng nữa thì khoảng 300) mới có 1 GS hoặc PGS. Như vậy chưa thể nói là cao và dư thừa gì, trái lại là còn ít.
Ví dụ như ở CHLB Đức, số lượng (và cả chất lượng) GS cao hơn ta nhiều: Trên 1 vạn dân có 3 GS và cứ 59 SV có 1 GS...
Nói là nước mình "ra ngõ gặp GS" là cảm tính. Chỉ một ví dụ: trong suốt 7 năm gần đây, ngành khoa học lịch sử Việt Nam, với nhiều lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành khác nhau, vậy mà cũng chỉ có 3 người được phong GS. Điều này cho thấy gần đây, việc phong hàm khá chặt chẽ.
Nhưng chính sách lương bổng và đãi ngộ vật chất đối với đội ngũ trí thức giảng dạy mới là câu chuyện dài xen cả nỗi buồn, biết rồi lại thêm ngậm ngùi hơn.
Sau hòa bình năm 1954 được 4 năm, Nhà nước ta đã phong hàm GS cho một số nhà khoa học hàng đầu của miền Bắc như GS Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Huy Thông, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Đặng Vũ Hỷ... Nhiều vị không có chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước nhưng vẫn được Bác Hồ trọng dụng với chế độ đãi ngộ tương đương thứ trưởng. Như vậy, Nhà nước thời đó dù còn rất khó khăn nhưng có cách trọng dụng nhân tài thật hay, không nhất thiết chỉ dành cho số trí thức có chức vụ cao.
Trong mỗi giai đoạn khác nhau, chính sách của Nhà nước đối với các GS hoặc tiến sĩ cũng có thể khác nhau, không nên so sánh hoặc duy trì mãi. Sau 1954, ở miền Bắc, chúng ta mới chỉ phong học hàm cho rất ít trí thức đầu ngành. Ngành y là ngành có số GS lớn nhất, áp đảo các lĩnh vực khác, vậy mà cũng chỉ có 9 vị được phong đợt đầu cả thảy. Có lẽ do chỉ rất ít người được phong nên mới có chế độ đãi ngộ ngang cấp thứ trưởng. Còn nay, nếu áp dụng như xưa, với cả ngàn GS đang còn làm việc thì sao làm được ?
Thực tế, có tỉnh này, thành phố kia đề ra chính sách và mỗi nơi mỗi khác để thu hút người giỏi về mảnh đất của họ công tác. Mới đây, TP.HCM cũng đưa ra con số "khủng" để trả lương cho các chuyên gia giỏi về TP này làm việc, mức đãi ngộ có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng. Đó là dấu hiệu tốt, song cũng chưa thật căn cơ và thống nhất trên toàn quốc mà còn phải lựa "sức khỏe" của mỗi địa phương. Nếu địa phương nghèo thì lấy nguồn nào mà "chiêu hiền đãi sĩ"?
Tìm hiểu chinh sách lương bổng hiện hành, tôi được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Luật giáo dục đại học do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 24 tháng 10 năm 2013, trong đó mục 2, điều 8 có ghi rõ "Chức danh PGS được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp. Chức danh GS được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp".
Nhưng trong thực tế, Nghị định của Chính phủ lại có rất ít cơ sở, địa phương thực hiện nghiêm túc và đó là điều rất khó hiểu. Đó là chưa kể lại còn có chuyện, mặc dù đã được Nhà nước trao giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn phong chức danh GS, PGS đi nữa, nhưng nếu đơn vị chủ quản không có quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm thì xem như cũng chẳng hơn gì so với khi chưa được phong khi làm chuyên môn, trong đó có việc họ sẽ được hay không được giao nhiệm vụ hướng dẫn luận án tiến sĩ với tư cách độc lập. Điều này gây nên tâm lý không khích lệ người làm khoa học hết mình vì công việc, khi lương và chế độ đi theo chẳng khác gì nhau.
Liệu tình trạng này có được khắc phục sớm trong thời gian tới không ? Đã tới lúc chúng ta cần xem lại để thực hiện nghiêm túc Nghị định 141 nói trên nhằm góp phần động viên giới trí thức nước nhà. Ngay cả câu chuyện chính sách chung cũng cần tiến tới một giải pháp đồng bộ, minh bạch, không nên phân biệt giữa người giỏi trong nước với người giỏi ở nước ngoài trở về (nếu tương đương nhau), dù đây là câu chuyện dài, cần thông cảm về sự quá độ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.