“Sao lại có thể ăn chặn, bớt xén tiền của trẻ mồ côi, khuyết tật?” là câu hỏi mà nhiều bạn đọc Thanh Niên bức xúc thốt lên khi mới đây, Thanh tra TP.HCM thông báo kết luận thanh tra các nội dung tố cáo liên quan đến Sở LĐ-TB-XH cùng một số đơn vị trực thuộc sở này.
Cạn lời!
Thanh Niên thông tin, kết luận thanh tra vừa được Thanh tra TP.HCM thông báo cho biết, từ 2018 đến hết tháng 4.2019, Thanh tra TP phát hiện Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè để ngoài sổ sách tiền, hiện vật nhận từ thiện quy giá trị là hơn 1,1 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong đó có hơn 760 triệu đồng đã được “chia chác” cho cán bộ, nhân viên của trung tâm. Ngoài ra, Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình chi từ nguồn thu từ thiện không đúng mục đích, không đúng đối tượng hơn 751 triệu đồng.
“Sống trên đời có thể mất nhiều thứ, nhưng đừng nên đánh mất lương tâm!”, bạn đọc (BĐ) Đường Văn Lương nhắn nhủ. “Buồn! Cán bộ làm công tác thiện nguyện kiểu này thì hết thuốc chữa”, “Quá chán nản! Đến cả tiền cho trẻ tàn tật, mồ côi mà cũng ăn chặn thì lương tâm đâu mất rồi? Mạnh thường quân muốn giúp đỡ cũng không biết làm sao đến đúng tay người cần”, “Cán bộ phụ trách bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi mà thiếu lương tâm như thế thì cạn lời. Nếu cho dân giám sát thì chắc chắn không có gì qua mặt được người dân”... là những ý kiến bày tỏ sự bức xúc của BĐ.
Tâm “đen tối”...
Từ kết luận thanh tra nói trên, hôm 12.5, Sở LĐ-TB-XH yêu cầu ban giám đốc và giám đốc 9 đơn vị liên quan viết bản kiểm điểm trên cơ sở xác định trách nhiệm đối với sai phạm theo nội dung kết luận thanh tra một cách trung thực, thành khẩn, tự giác nhận thiếu sót, sai phạm, không giải trình, né tránh... Tuy nhiên, BĐ cho rằng cần siết chặt lại kỷ cương. Bởi, những lãnh đạo và cán bộ trung tâm “ăn chặn” tiền tài trợ như vậy thì nhà hảo tâm làm sao dám gửi tiền, quà cho các em bé sống trong trung tâm nữa...
Trong tâm niệm của nhiều BĐ, cán bộ làm việc ở các trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi phải là những người giàu lòng nhân hậu, do vậy BĐ Nguyễn Phong cho rằng: “Những người này không phải là nhân viên bảo trợ mà là nhân viên lợi dụng, đục khoét từ thiện. Tâm “đen tối” thế này mà làm trong trung tâm bảo trợ là không ổn!”.
Còn BĐ Phương Nguyễn cho rằng đa phần các đối tượng được các trung tâm này bảo trợ, hỗ trợ đều là những người yếm thế - tức những người không may gặp phải những hoàn cảnh éo le trong cuộc sống hoặc là những người bất hạnh.
Số tiền được hỗ trợ hoặc được các mạnh thường quân ủng hộ, vốn không nhiều nhặn gì nhưng là nguồn động viên để cuộc sống của họ tiếp tục, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống.
Những cán bộ của trung tâm ăn chặn, bớt xén hoặc cắt bớt để chia cho nhau là hành vi không thể chấp nhận được; vừa mang tính bất nhân, vừa có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Do vậy ngoài việc làm rõ trách nhiệm mà Thanh tra TP.HCM đã nêu, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bởi thực tế, “nạn” này không hiếm, và từng xảy ra ở một vài địa phương.
Trong một số trường hợp, quỹ từ thiện từ trước tới nay không thấy báo cáo công khai nên chẳng biết vào đâu. Tôi còn nhớ khi có cơn bão gây thiệt hại, địa phương tôi sinh sống phát động người dân ủng hộ, số tiền lúc bấy giờ là 100 triệu đồng. Nhưng chỉ có 5 hộ được hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng. Số tiền còn lại tiêu việc gì chẳng ai biết. Đừng để lòng tốt bị lợi dụng.
Nguyễn Thị Kim Đồng
Ngoài việc cách chức, sa thải, truy thu hoặc yêu cầu những người đã “bớt xén”, “ăn chặn” tiền dành cho trẻ mồ côi, người khuyết tật phải nộp lại..., hành vi này cần được chuyển qua cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hoa Doan
|
Bình luận (0)