Lương thấp e công chức “vô cảm với công việc”

12/09/2017 08:03 GMT+7

Sau bài viết Lương công chức có đủ sống ? đăng ngày 11.9, Báo Thanh Niên ghi nhận một số ý kiến cán bộ, công chức trẻ, cán bộ nguồn ở TP.HCM, mong muốn sớm được tăng lương, giúp đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác.

Khó giữ chân người giỏi
Đề xuất tăng lương gấp 2 lần cả nước
Trong đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu TP cần được tự chủ về biên chế của bộ máy hành chính, thu nhập của CBCC và người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Nhân cho hay qua tính toán, năng suất lao động của TP.HCM cao gấp 2,7 lần so với bình quân cả nước, năng suất lao động của CBCC ở TP.HCM gấp 1,5 lần bình quân cả nước. Từ đó, TP.HCM đề xuất mức thu nhập của CBCC ở TP gấp 2 lần so với thu nhập bình quân của CBCC cả nước.
Là cán bộ nguồn của TP.HCM và có thâm niên 6 năm làm Chủ tịch UBND phường của một quận trung tâm TP, nhưng thu nhập của ông H. chỉ 7 - 8 triệu đồng/tháng. “Mới đây, bạn bè ở nước ngoài về, khi tôi nói ra mọi người cười nghiêng ngả. Không ai tin lương tôi thấp như vậy”, ông H. bộc bạch. Lương thấp lại không có nhà riêng nên vợ chồng ông H. với 2 người con (đứa nhỏ mới sinh) phải thuê nhà trọ nhỏ gần cơ quan. Ông H. cho hay phần lớn trang trải của gia đình đều lấy từ tiệm cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu của vợ. “Nếu không có sự chia sẻ của vợ thì chi tiêu trong gia đình sẽ gặp khó”, ông H. nói.
Theo ông H., điều lo ngại nhất chính là việc thu nhập quá thấp sẽ khiến cán bộ công chức (CBCC) “vô cảm với công việc, thiếu động lực làm việc và phấn đấu”, từ đó ảnh hưởng tới guồng máy hành chính ở cấp cơ sở - nơi nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân nhất.
Ông Đ.H.P, chuyên viên phòng tư pháp một quận của TP.HCM, là một trong những người được cử đi học ở nước ngoài theo chương trình đào tạo 500 tiến sĩ, thạc sĩ cho CBCC trẻ của TP.HCM. Ông P. công tác 12 năm trong cơ quan nhà nước nhưng hiện lương gần 6 triệu đồng/tháng. Trở về với trình độ thạc sĩ nhưng đối diện đồng lương khiêm tốn, ông P. nhiều lần phải đắn đo, suy nghĩ khi thấy bạn bè làm bên ngoài khá giả hơn mình.
Ông P. cho biết nhiều bạn bè, đồng nghiệp đi học cùng chương trình trên cũng có tâm tư như vậy. Theo ông P., để tránh “chảy máu chất xám”, nhà nước cần phải thay đổi chính sách, bổ sung lương để cải thiện cuộc sống cho CBCC. Còn với mức lương như hiện tại, dù có là cán bộ nguồn, được cử đi học nhưng rất khó giữ chân họ lâu dài.
Cần trả lương xứng đáng sức lao động
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Liên đoàn Lao động TP.HCM: “Nếu lương không đủ sống, chắc chắn họ sẽ không tập trung hết vào công việc và có thể sẽ chạy thêm công việc bên ngoài”. Ông Triều cho biết theo thống kê, năng suất lao động của CBCC tại TP.HCM, đặc biệt là khu vực trung tâm, cao hơn nhiều lần so với các địa phương khác. “Có người phải làm việc từ sáng tới tối, có khi phải đem việc về nhà làm, trong khi đó hưởng mức lương tương đương như nơi khác là thiếu công bằng. Vì vậy tăng lương là điều hợp lý”, ông Triều nói.
Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn cũng cho rằng lương thấp dễ khiến CBCC tính toán nhiều thứ, dễ sinh ra tiêu cực. “Các nghị quyết của Đảng nói rõ trả lương là đầu tư cho phát triển. Cho nên, nếu lương quá thấp và không đảm bảo đời sống của người lao động chính là ngăn chặn sự phát triển. Quan trọng hơn, lương thấp sẽ làm trì trệ bộ máy hành chính và không thu hút được người trẻ tham gia bộ máy công chức”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, dân số của TP.HCM chừng 11 triệu người, gấp 10 lần dân số của nhiều tỉnh nên khối lượng công việc của công chức gấp nhiều lần nơi khác. Đề xuất của TP.HCM tăng lương gấp đôi cho đội ngũ CBCC là rất hợp lý, đúng quy luật vì sức lao động bỏ ra bao nhiêu thì phải được đền bù xứng đáng.
Bạn đọc có chia sẻ về chủ đề lương công chức với những câu chuyện cụ thể, xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.