Cùng dự diễn đàn có: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo ban, bộ, ngành T.Ư và các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; đặc biệt có 450 đại biểu đại diện cho 11 triệu đoàn viên công đoàn, hơn 18 triệu công nhân, người lao động toàn quốc.
Chỉ bằng 30% Singapore
Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Tú Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư, nhìn nhận năng suất lao động (NSLĐ) VN thấp do cơ cấu nền kinh tế phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình. Số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp (DN) chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022; song lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế. Tương ứng các lao động trong DN VN sẽ tạo ra 53.582 USD/lao động.
Tuy nhiên, năng suất của người lao động trong các DN VN chỉ bằng khoảng 30% Singapore. Thậm chí, NSLĐ trong khu vực DN tư nhân VN chỉ bằng 3,6% khu vực DN nhà nước và 28,5% khu vực DN FDI.
Một trong những giải pháp để nâng cao NSLĐ, theo TS Nguyễn Tú Anh là chính sách tiền lương hiệu quả. Thực tế nếu tiền lương thấp sẽ tạo hiệu ứng ngược, người lao động không có động lực nâng cao tay nghề vì giá trị của việc nâng cao tay nghề không tương xứng. Trung Quốc đã nâng tiền lương tối thiểu từ 690 tệ năm 2006 lên 2.600 tệ/tháng năm 2021, nhưng không làm giảm đầu tư mà ngược lại đầu tư tăng, NSLĐ tăng. Dù vậy, nếu tăng tiền lương tối thiểu quá nhanh có thể làm "chùn" ý nhà đầu tư. Do đó trong vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ DN, công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra lợi ích chung.
Từ góc độ một trong những DN có NSLĐ cao nhất, bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel, cho biết việc duy trì NSLĐ cao là một trong những cơ sở quan trọng để Chính phủ quyết định ban hành nghị định riêng về tiền lương cho tập đoàn này. Năm 2023, NSLĐ theo doanh thu của Viettel là hơn 4,1 tỉ đồng/người/năm. Tại một số đơn vị viễn thông, công nghệ, con số này là hơn 9 tỉ đồng/người/năm, tương đương với các DN nổi tiếng thế giới cùng lĩnh vực như Orange (Pháp), Telefonica (Tây Ban Nha). Giải pháp để thúc đẩy NSLĐ theo đại diện Viettel chính là 3 trụ cột: nhân lực, công cụ và cơ chế chính sách.
Xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng
TS Phạm Thu Lan, Viện Công nhân công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN), cho rằng người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8 - 12%/tháng ở các ngành lao động.
Theo bà Lan, để nâng cao NSLĐ, cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội và là quyền cơ bản của con người, không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội... mà còn cần một khoản dự phòng cho các tình huống phát sinh bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.
"Tổ chức công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất", TS Phạm Thu Lan kiến nghị. Đồng thời, đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tiến độ chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện ích cơ bản khác để người lao động thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới.
Lắng nghe chia sẻ của người lao động và các DN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh NSLĐ là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, NSLĐ trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021 - 2022, NSLĐ VN tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á. Tăng NSLĐ đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập. Trong quý 1/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, NSLĐ của VN vẫn ở mức thấp, giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ tăng NSLĐ thấp hơn mục tiêu đề ra (5,5%/năm). Đặc biệt, xét theo giá trị tuyệt đối, NSLĐ của VN vẫn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan (số liệu năm 2022). Bên cạnh đó, khoảng cách về NSLĐ và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn. Các yếu tố nền tảng cho tăng NSLĐ nhanh và bền vững vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa thực sự có bước đột phá…
Để tăng NSLĐ, Thủ tướng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động VN, người lao động cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện "3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để góp phần thúc đẩy tăng NSLĐ. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng NSLĐ. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục dạy nghề và chăm lo cho đời sống người lao động…
Phải có bước đột phá về nhà ở cho người lao động
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động VN. Đánh giá mối quan hệ ngày càng hiệu quả, Thủ tướng nhấn mạnh tổ chức công đoàn cần lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân thông qua khảo sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri…; phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, DN để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
Bên cạnh đó, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; chăm lo các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt cần quan tâm vấn đề nhà ở cho người lao động. "Nhà ở là một trong những vấn đề lớn nhất của con người, "an cư mới lạc nghiệp", nhà ở có thể mua, thuê hoặc thuê mua. Vấn đề về nhà ở cho người lao động phải có bước đột phá trong thời gian tới", Thủ tướng yêu cầu.
Bình luận (0)