Lương tối thiểu 2019 tăng bao nhiêu?

09/07/2018 11:59 GMT+7

Chiều nay 9.7, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên đàm phán mức lương tối thiểu năm 2019. Theo dự đoán của các chuyên gia, mức tăng lương năm tới trong khoảng 5 - 6%.

Đề xuất cao nhất 8%
Trao đổi với Thanh Niên sáng nay 9.7, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), cho biết đại diện phía người lao động dự kiến đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 7,5 - 8% so với mức lương năm 2018 (tương đương 190.000 - 300.000 đồng/tháng).
Theo ông Quảng, đề xuất này đưa ra dựa trên khảo sát về đời sống người lao động sau khi áp dụng Nghị định 141/2017/NĐ-CP về thực hiện mức lương tối thiểu năm 2018. Tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85% tổng thu nhập của người lao động; đa số người lao động được hỏi đều đánh giá thu nhập cơ bản chỉ đáp ứng được chi phí hàng ngày, cuộc sống còn khó khăn và chưa thực hiện được nhiều tích luỹ.
PGS - TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, chia sẻ: “Ban đầu Viện Công nhân - Công đoàn đề xuất tăng 10%. Tuy nhiên, xét trên tình hình chung, thì mức tăng đưa ra khoảng 8% là hợp lý. Mức tăng này đủ số phần trăm đang thiếu hụt của tiền lương so với mức sống tối thiểu, bù trượt giá, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong 7 năm qua, nên mức tăng lương tối thiểu của năm tới không thể thấp hơn năm 2018”.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, đây có thể chưa phải là con số cuối cùng. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đang họp và "chốt" lại mức đề xuất đưa ra đàm phán vào trưa nay.
Trong khi đó, đại diện giới chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) đến giờ phút này vẫn giữ bí mật về mức đề xuất đưa ra trong phiên họp chiều nay. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa “chốt” phương án đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2019. Trong sáng nay, VCCI đang tổng hợp số liệu lấy ý kiến từ các doanh nghiệp và các hiệp hội, sau đó sẽ họp cùng các chuyên gia để chốt mức đề xuất cuối cùng”.
Đại diện một hiệp hội, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia bật mí, khả năng đại diện giới chủ sẽ đề xuất không tăng lương năm 2019. Nếu có tăng chỉ dừng ở mức 2%.
Chuyên gia dự đoán mức tăng dưới 6%
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, nhận định mức tăng lương năm tới chỉ 5 - 6%. “Doanh nghiệp rất muốn tăng lương cho người lao động, nhưng tình hình hiện nay rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu, không thể tăng lương cho người lao động. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không có điều kiện tăng nhiều, thì cũng nên tăng ở mức 5% đủ bù trượt giá, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Nghị quyết số 27-NQ/TW (về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành - phóng viên) vừa qua tiếp tục khẳng định, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp, để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, cũng cho rằng, mức tăng tối đa 6% có lẽ là phù hợp, bởi mức tăng lương phụ thuộc rất nhiều vào chỉ số GDP và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mặt bằng tiền công hiện tại, điều kiện chi trả của doanh nghiệp...
Mặc dù khoảng cách giữa các bên đang khá xa nhau, nhưng ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng mức tăng nên từ 6%. “Mức tăng lương tối thiểu cần phải tính toán để bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên. Doanh nghiệp kêu khó, nhưng người lao động hiện nay cũng đang rất khó khăn, tăng lương để cải thiện đời sống của người lao động thì người lao động mới có sức khỏe, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp”, ông Lợi khuyến nghị.
Năm 2017, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã "chốt" mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% (từ 180.000 - 230.000 đồng). Theo đó, vùng 1 lương tối thiểu tăng 230.000 đồng, từ 3,75 triệu đồng lên 3,98 triệu đồng; vùng 2 tăng 210.000 đồng, từ 3,32 triệu đồng lên 3,53 triệu đồng; vùng 3 tăng 190.000 đồng, từ 2,9 triệu đồng lên 3,09 triệu đồng; vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 2,58 triệu đồng lên 2,76 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.