Câu hỏi được đưa ra tại tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động, đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 do Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức chiều 10.7, với mong muốn cung cấp thêm thông tin, làm cứ liệu cho phiên đàm phán vòng 2 về lương tối thiểu vùng 2020 của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào ngày 11.7.
Tại tọa đàm, một số liệu khảo sát được nhắc lại, tiếp tục gây xôn xao: theo khảo sát chuyên sâu về cuộc sống của công nhân may ở VN, do Tổ chức Oxfarm và Viện Công nhân - Công đoàn tổ chức năm 2018, 37% công nhân được phỏng vấn cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm, để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng; 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng (trong số này, 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn và 6% cho biết vào cuối tháng họ chỉ ăn cơm chan canh suông).
Nỗi lo giá hàng hóa tăng nhanh hơn lương
Một bạn đọc (BĐ) ở Trà Vinh đồng cảm: “Bàn lương tối thiểu thế nào khi nhiều công nhân cuối tháng chỉ ăn cơm chan canh suông? Chỉ có những người sống mức sống tối thiểu bằng lương tối thiểu thì mới đồng cảm, mới hiểu được như thế nào là sống tối thiểu, còn không chỉ là nói suông”.
Trong khi đó, BĐ Thanh Xuân (TP.HCM) lại nói lên một nỗi lo muôn thuở: “Tôi không biết tăng lương tối thiểu có đủ sống hay không, nhưng chỉ cần nghe tăng lương tối thiểu thì giá cả các mặt hàng ngoài chợ đều tăng nhanh hơn tiền lương”. Nhiều BĐ bày tỏ đồng tình khi nhấn “like” với ý kiến này. Theo BĐ, lương tối thiểu đã thấp, giá cả tăng nhanh mỗi khi “nghe phong thanh” chuyện điều chỉnh lương khiến người lao động chưa thể thoát khỏi nỗi lo lương không đủ sống.
Cũng có BĐ kêu gọi phải tiết kiệm, chứ làm 10 đồng tiêu hết 15 đồng thì lương đâu cho đủ. BĐ Trần Vinh (Bình Dương) viết: “Theo tôi có tăng lên 10% cũng thế thôi, vì đối với người cần kiệm thì có dư, chứ đối với những người làm 10 đồng tiêu pha, ăn nhậu hết 15 đồng, lấy gì mà dư. Đừng biện hộ cho lương thấp công nhân không đủ sống. Lương chưa lãnh mà chủ nợ đã đứng trước cổng công ty đòi nợ rồi...”.
Mức sống tối thiểu là mức sống nào?
BĐ Trần Vương (Bạc Liêu) nêu: “Lương tối thiểu không đủ sống đối với công nhân là một thực tế nhức nhối, vậy tại sao nhà nước không bỏ đi khái niệm lương tối thiểu? Phải trả theo thực tế đối với mức cơ bản đủ để sống chứ không phải để tồn tại! Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới người lao động, công nhân. Họ là lực lượng quyết định sản lượng, năng suất của doanh nghiệp...”.
Mối liên quan mật thiết giữa “mức sống tối thiểu” và “mức lương tối thiểu” cũng được nhiều BĐ nhắc đến. BĐ Khắc Trung (Thanh Hóa) viết: “Chúng ta cứ bàn là lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu. Tôi xin hỏi là chúng ta đã đưa ra được những tiêu chí nào để đánh giá mức sống tối thiểu chưa? Chưa có cái chuẩn của mức sống tối thiểu thì làm sao xác định được mức lương tối thiểu?”. BĐ Khắc Trung cũng kể một câu chuyện: Vợ chồng cãi nhau vì ngày chủ nhật muốn có bữa ăn tươi một tí cho các con. Chồng bảo mua chân giò nấu giả cầy. Vợ bảo mua cá nấu canh chua. Ai cũng muốn, rốt cuộc thống nhất mua cả hai. Đến bữa, cá và chân giò món nào cũng chỉ nấu được một nồi nhỏ, vì tiền chỉ có bấy nhiêu. Thế là cãi nhau, giả cầy và canh chua đều ế.
“Chưa có tiêu chí về mức sống tối thiểu thì đừng bàn về mức lương tối thiểu”, BĐ đúc kết.
- Vì sao không có lương tối thiểu cho công chức? Lương theo hệ số còn thấp hơn lương tối thiểu của công nhân.
Nguyễn Minh (TP.HCM)
- Sao không ai đem so sánh mức lương tối thiểu của người lao động VN với các nước mà chỉ so sánh giá xăng, giá điện, tuổi hưu...?
Hải Tùng (TP.HCM)
|
Bình luận (0)