Phải nhắc lại là trước kiến nghị lùi này thì lương tối thiểu đã lỡ hẹn 2 năm nay. Đó cũng là 2 năm đại dịch hoành hành. Nhưng doanh nghiệp khó khăn thì người lao động cũng khốn khổ vì chi phí sinh hoạt cộng thêm nhiều khoản liên quan đến dịch tễ, chưa kể mặt bằng giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng đã tăng rất mạnh. Vì thế, lương tối thiểu ngày càng không đủ cho mức sống tối thiểu.
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu lao động, tính từ lần điều chỉnh gần đây nhất là đầu năm 2020, mức lương tối thiểu vùng 1 (vùng cao nhất) là 4,42 triệu đồng chưa đáp ứng được 95% mức sống thấp nhất và chỉ bằng 59% lương đủ sống. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài lộ trình tăng lương tối thiểu, không chỉ là thiệt thòi cho người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ và năng suất của chính đơn vị sử dụng lao động.
Nói điều này, không phải là “cảm tính” mà nhìn lại “lịch sử”, lương tối thiểu luôn “nợ” người lao động để có thể “sống tối thiểu”. Cụ thể, năm 2013 là năm đầu tiên Hội đồng Tiền lương quốc gia họp điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2014 với mức lương tối thiểu vùng 1 là 2,35 triệu đồng, chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu theo tính toán của Tổng liên đoàn Lao động. Nghĩa là lương tối thiểu, nợ người lao động mức sống tối thiểu 30%. Hay nói cách khác, lương tối thiểu chưa đủ để sống tối thiểu. “Món nợ” trên đến năm 2014, chỉ trả được 15%, tiếp tục nợ 15% khi chỉ tăng 15% lương tối thiểu vùng. Những năm sau đó, mức tăng hạ xuống khá thấp, từ khoảng 5 - 7%, chưa đủ bù cho trượt giá. Còn từ năm 2020 tới nay thì không tăng và như nói trên, 8 hiệp hội còn đề nghị kéo dài lộ trình tăng lương tối thiểu tới đầu năm sau. Nếu được chấp thuận, thời gian người lao động không được tăng lương tối thiểu kéo dài tới 3 năm. Và khoảng cách giữa lương tối thiểu và sống tối thiểu càng bị đẩy ra xa.
Cũng phải thừa nhận, ở góc độ doanh nghiệp, tăng lương ở thời điểm này đúng là rất áp lực. Di chứng của đại dịch còn đó, rủi ro của biến thể mới vẫn rập rình trước mắt, những lý do mà các hiệp hội ngành nghề đưa ra không sai. Nhưng nếu lấy đó để trì hoãn việc tăng lương tối thiểu cho người lao động, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh thì chưa thỏa đáng. Tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia cho thấy, với phương án tăng lương 6% thì dự kiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng bình quân 0,5 - 0,6% trong đó dệt may - da giày tăng 1,1 - 1,2%. Còn người lao động tăng thêm từ 180.000 - 260.000 đồng. Mức tăng hết sức khiêm tốn trong khi thời gian tăng lương tối thiểu đã bị trì hoãn quá lâu. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây bức xúc cho đại bộ phận người lao động. Từ đó, ảnh hưởng đến kết quả công việc.
Thực tế, rất nhiều công ty thời gian qua đã chủ động tăng lương, tăng thu nhập để giữ chân, khuyến khích người lao động gắn bó, tận tâm với công việc. Nhiều ông chủ doanh nghiệp thừa nhận, chi phí tăng nhưng năng suất tăng nên doanh thu và lợi nhuận đều tăng. Bỏ con tép, bắt con tôm chứ không mất đi đâu cả.
Trên tất cả thì lương tối thiểu phải bảo đảm sống tối thiểu. Đây cũng chính là yếu tố không thể thiếu để một doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bình luận (0)