Lượng và chất

05/06/2018 05:09 GMT+7

Là nước có nhiều mặt hàng nông sản, công nghiệp xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng thực tế, giá trị chúng ta thu về rất ít bởi đa số là xuất thô bán rẻ.

Mới nhất là hồ tiêu với lượng lớn nhất thế giới và giá rẻ nhất thế giới. Giá xuất khẩu hồ tiêu của VN còn thua xa Campuchia trong khi chúng ta đang chiếm tới 60% sản lượng toàn cầu. Nông sản chủ lực của VN là gạo thì có khi giá gạo bán trong nước đắt hơn nhiều so với giá xuất khẩu.
Tình trạng tương tự với cà phê. Chúng ta vẫn luôn tự hào là nước xuất khẩu nguyên liệu cà phê hàng đầu thế giới nhưng "1 kg cà phê thô VN bán được 2 USD trong khi Starbucks mua về và xử lý, dán nhãn mác của thương hiệu này vào, thì tạo ra lợi nhuận đến hơn 100 lần, lên tới 200 USD" - câu chuyện được ông Micheal H.Nguyen, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Masan Group dẫn ra cách đây 2 năm vẫn còn nguyên giá trị. Bởi đến giờ phút này, chúng ta vẫn là người khổng lồ trong lĩnh vực cà phê nhưng hưởng lợi thì cũng vẫn là người khác.
Không riêng gì nông sản, một loạt ngành công nghiệp với giá trị xuất khẩu tỉ USD cũng chỉ là "lấy công làm lời". Nếu một đôi giày Nike gia công tại nước ta có giá 100 USD thì phía ta chỉ hưởng lợi 22 USD, còn Mỹ hưởng lợi 78 USD. Chỉ riêng Nike, mỗi năm ta xuất khẩu gần 140 triệu đôi. Nếu tính cả ngành da - giày, doanh số là rất lớn. Nhưng cái chúng ta thực hưởng thì còn quá khiêm tốn.
Đây cũng là thực trạng của ngành dệt may nhiều thập niên qua. Từng là ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của VN trong nhiều năm, nhưng từ nguyên phụ liệu cho tới thiết kế đều do đối tác cung cấp, DN trong nước chỉ làm mỗi công đoạn gia công. Vì thế, mang tiếng là mỗi năm xuất khẩu vài chục tỉ USD, tuy nhiên giá trị gia tăng mang lại từ ngành này cũng chủ yếu vẫn là giải quyết lao động.
Thế giới đã chuyển từ lượng sang chất và xu hướng này ngày càng lan rộng ở hầu hết các thị trường xuất khẩu. Nếu chúng ta không thay đổi thì sẽ tới lúc, bán rẻ cũng không được mà phải đối mặt với chuyện mất thị trường.
Đầu tư vào chất lượng, không chạy theo số lượng để hàng hóa, nông sản Việt có tiếng và có miếng là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành từ quy hoạch nuôi trồng, tổ chức thị trường, xúc tiến xuất khẩu... chứ không thể cứ để cho người nông dân loay hoay với nền nông nghiệp hồn nhiên như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.