Luồng xanh chưa... xanh

18/07/2021 06:27 GMT+7

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội chống dịch, TP.HCM đã phối hợp với 19 tỉnh thành lân cận điều phối, triển khai “luồng xanh” ưu tiên tại các chốt kiểm dịch.

 Mới nhất, TP cũng triển khai luồng xanh đường thủy, Tổng cục Đường bộ thì đang phối hợp cùng 63 tỉnh, thành xây dựng phương án tổ chức luồng xanh liên tỉnh, dự kiến triển khai vào ngày mai (19.7). Thế nhưng, luồng xanh vẫn chưa... xanh ở rất nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều vấn đề.
Đầu tiên là một số địa phương chưa chủ động lên phương án tổ chức luồng xanh nên “bản đồ luồng xanh” đang trong tình trạng da beo, ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hóa từ các tỉnh, thành phía nam tới TP.HCM và ngược lại. Thứ hai, tính đến nay có tổng số 72 chốt trên các tuyến quốc lộ và các vị trí giáp ranh giữa các địa phương khu vực phía nam, rồi mỗi tỉnh áp dụng cách thức kiểm soát y tế khác nhau đối với đội ngũ lái xe vận tải cũng biến luồng xanh thành luồng vàng, thậm chí luồng đỏ.
Thứ ba, mã QR cấp cho xe chở hàng hóa chưa thể hiện lộ trình khiến tài xế đi qua trạm nào cũng bị dừng lại để kiểm tra... Đó là lý do một số tuyến ở khu vực ĐBSCL vẫn xảy ra ùn tắc. Nhiều người dân TP đặt hàng theo nhóm, mua chung hay hàng từ quê gửi vào phản ánh, thời gian đặt hàng kéo dài gấp nhiều lần nên rau củ, trái cây tới tay họ đã... héo queo. Chỉ 3 ngày trước, câu chuyện 2 tỉnh không nhận, một tài xế vạ vật cả tuần không thể về nhà, cũng không thể đi đâu cho thấy bất cập rất lớn trong câu chuyện kiểm soát y tế ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết.
Không chỉ “luồng” từ các địa phương về TP.HCM chưa xanh, việc lập hàng trăm chốt kiểm soát “giấy thông hành” trong nội thành TP.HCM cũng gây không ít vướng mắc, cản trở trong tiêu dùng. Tương tự, việc đóng cửa gần hết chợ truyền thống, chợ tạm...; chỉ cho mở siêu thị đã và vẫn đang gây nghẽn mạch lưu thông hàng hóa thiết yếu đến tay người dân. Ngay cả nỗ lực huy động cả hệ thống bán đồ em bé, trang điểm... mở thêm các điểm bán hàng lưu động cũng không thể bù đắp được những thiếu hụt mà mạng lưới phân phối truyền thống vẫn cung ứng nhu cầu của hàng chục triệu người dân TP lâu nay. Đến lúc này, người dân TP vẫn thiếu, vẫn khó mua rau và trứng.
Luồng xanh chưa... xanh, hệ quả lớn nhất là gây tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ ở TP.HCM, trong khi ở nhiều nơi, nông sản lại khóc ròng vì không thể tiêu thụ. Đáng nói hơn, nếu rau, củ, quả... ở các địa phương giá xuống rất thấp thì tại TP.HCM, nơi người dân đang hết sức khó khăn do dịch bệnh lan rộng, lại phải mua với giá cao gấp 5, gấp 7 lần. Tương tự, giá heo hơi đã xuống thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây nhưng giá heo mảnh tại chợ vẫn... trên trời. Sau gần 2 năm đối mặt với dịch bệnh, đặc biệt là lần bùng phát thứ 4 này đã có thêm hàng triệu người thất nghiệp, hàng triệu hộ gia đình giảm thu nhập... thì giá cả hàng hóa thiết yếu đã thiết lập một mặt bằng mới, cao hơn. Tất nhiên, chất lượng bữa cơm của mỗi gia đình lại tiếp tục giảm xuống.
Hãy thông luồng xanh cho giao thông, cho phân phối... để hàng hóa tới tay người dân đầy đủ nhất, nhanh nhất và giá “xanh” nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.