Đam mê nhà cổ
Ở Quảng Nam, nói đến giới sưu tầm nhà cổ không ai không biết đến Lê Văn Vĩnh, trụ sở đặt tại xã Điện Minh (H.Điện Bàn, Quảng Nam). Sớm tiếp cận, chịu khó mày mò, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ những người thợ mộc có tay nghề cao, nên Lê Văn Vĩnh đã kịp lĩnh hội, nắm bắt gần như đầy đủ tinh hoa của nghề mộc làng Kim Bồng, Văn Hà nổi tiếng miền Trung nhiều thế kỷ qua.
Cái nghiệp là vậy, song để sở hữu hàng chục ngôi nhà bằng gỗ, tranh tre cổ nhất ở các tỉnh, thành, theo Vĩnh phụ thuộc tất cả vào cơ duyên! “Khi ai đó chọn cho mình con đường khởi nghiệp thì bên cạnh niềm đam mê còn có một cơ duyên nào đấy. Cơ duyên ấy đã giúp mình gặp nghề mộc và như một cái nghiệp gắn chặt cả cuộc đời, tâm huyết, trí tuệ của mình dành cho cái nghề mà không phải ai cũng dễ dàng lĩnh hội này”, Lê Văn Vĩnh tâm sự về những năm tháng bôn ba theo học nghề.
Đi nhiều nơi, Vĩnh nhận ra rằng, ở khắp miền Trung có rất nhiều ngôi nhà cổ có những hình thái kiến trúc độc đáo, đa dạng. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, mưa nắng, bão giông và thời gian dài không được tu bổ, rất nhiều ngôi nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà thuộc diện độc đáo có một không hai về thiết kế, nghệ thuật chạm trỗ đang oằn mình chờ sụp đổ do gia chủ không đủ kinh phí để duy tu...
Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ phải làm thế nào để giữ cho được những nếp nhà cổ xưa, những họa tiết, hoa văn tinh xảo ấy, cuối cùng Lê Văn Vĩnh cũng tìm ra một lối đi riêng và trở thành người sưu tầm, lưu giữ những ngôi nhà độc đáo nhất ở miền Trung.
Lập bảo tàng nhà cổ
|
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chỉ hơn 10 thợ và nghệ nhân chủ yếu trùng tu nhà cổ, đến nay sau 14 năm hoạt động, Vinahouse đã phục chế, trùng tu trên 1.000 căn nhà gỗ truyền thống và hàng chục ngàn tác phẩm điêu khắc trên gỗ.
Chưa dừng lại ở đó, Lê Văn Vĩnh còn đề ra kế hoạch chiếm lĩnh 80 - 90% thị trường trong nước về nhà cổ và đang xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm kết hợp với trung tâm xúc tiến thương mại của Hiệp hội làng nghề Việt Nam để đưa sản phẩm nhà gỗ nói chung, hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng ra thị trường thế giới. “Điều quan trọng là chúng tôi không những tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho người sử dụng mà muốn mang đến cho cộng đồng một không gian văn hóa đậm bản sắc Việt”, Lê Văn Vĩnh tự tin với hướng đi của mình.
“Chính các làng nghề mộc truyền thống là cái nôi để xây dựng nên những ngôi nhà cổ ở miền Trung qua những tác phẩm độc đáo, tinh xảo trải dài khắp vùng đất này. Bằng tấm lòng tri ân các vị tiền nhân, những người đi trước thì việc duy trì làng nghề truyền thống ở đất Quảng Nam là một việc làm mang ý nghĩa to lớn để cho các thế hệ đi sau tiếp tục phát huy hơn nữa tinh hoa ông cha để lại”, Lê Văn Vĩnh mở đầu câu chuyện về ý tưởng lập bảo tàng nghề mộc và mở cửa khu nhà cổ độc đáo của mình cho du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc nhà cổ độc đáo thuần Việt được làm ra từ chính bàn tay khối óc của những người thợ lành nghề bậc nhất Việt Nam.
Nói là làm, khu nhà cổ tập trung tại xã Điện Minh (H.Điện Bàn) nối giữa hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An được đầu tư công phu. Hàng chục ngôi nhà cổ tọa lạc trên diện tích hơn 11.000m2 được quy hoạch xây dựng thành một bảo tàng nhà Việt Nam. Và đây cũng là nơi thờ tổ nghề ngành mộc, đồng thời lưu giữ hàng chục ngàn hiện vật nhà cổ, các mẫu họa tiết, hoa văn cổ, các tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật tinh xảo. Ngoài ra, khu mỹ nghệ Viettown nằm tại xã Điện Dương (H.Điện Bàn) có diện tích 3.851m2 hình thành là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và đương đại tạo ra một không gian độc đáo, riêng biệt so với các khu phố cổ hiện tại ở Việt Nam.
Đây là nơi trưng bày và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo, tinh xảo của các nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Bên cạnh khu mỹ nghệ Viettown, Vinahouse đã đầu tư thêm khu làng nghề truyền thống với diện tích 3.000m2 là nơi hội tụ của các nghệ nhân hai làng nghề mộc Văn Hà và Kim Bồng nổi tiếng ở Quảng Nam. “Lưu giữ những tinh hoa của cha ông ta để lại là hành động thể hiện một sự trân trọng, biết ơn đối với những thế hệ cha ông đi trước đã tạo ra những sản phẩm có giá trị cả về vật chất và tinh thần cho thế hệ sau. Bên cạnh đó việc phát huy những tinh hoa này còn là hành động nhằm đưa những tinh hoa nghệ thuật kiến trúc nhà cổ bay cao, bay xa hơn nữa”, Lê Văn Vĩnh lý giải về những việc làm không giống ai của mình.
Không dừng lại ở việc trưng bày, Lê Văn Vĩnh còn hướng đến việc đào tạo một thế hệ những người thợ mộc trẻ nắm bắt, gìn giữ tinh hoa làng nghề, thông qua chính sách hỗ trợ, khuyến khích những người thợ lớn tuổi, có thâm niên trong nghề làm nhà cổ để những người này truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho những thế hệ trẻ sau này. “Với khẩu hiệu Khơi dậy nếp nhà Việt, chúng tôi mong muốn mọi người cùng nhau chung sức giữ gìn kiến trúc cổ cũng như một ngành nghề truyền thống vốn đã bị mai một theo thời gian”, Lê Văn Vĩnh tâm sự.
Lê Văn Vĩnh trong ngôi nhà tranh tre cổ nhất Việt Nam -Ảnh: H.T
Một gian thờ trong nhà cổ - Ảnh: H.T |
Hữu Trà
Bình luận (0)