Dưới các bức ảnh chụp những chiếc cần cẩu rời xa bến cũ của tác giả Trần M.T, cũng là cán bộ của cảng Hoàng Diệu, có một chú thích gây xao xuyến: "Chia tay trong sương sớm". Ông Nguyễn Hải, nhiếp ảnh gia của cảng nay đã về hưu, lập tức vào cảm thán: "Buồn rũ người".
Không buồn sao được khi bến cảng 150 tuổi, từng gắn bó với hàng vạn người dân, hàng nghìn gia đình ở Hải Phòng sẽ không còn nữa. Hình ảnh cần cẩu phải di dời đã chính thức xác nhận cảng Hoàng Diệu, còn gọi là cảng chính, cảng Hải Phòng, nơi nhờ nó mà Hải Phòng được gọi là "thành phố cảng"… sẽ không còn nữa.
Một trời ký ức
Nhà tôi cách cảng Hoàng Diệu khoảng 3 km đường chim bay. Khi còn bé, tôi đã nghe tiếng còi tàu, tiếng mở nắp hầm đêm đêm vọng về từ cảng. Mỗi khi nhìn về phía bắc, tôi lại thấy một dãy cần cẩu màu vàng như những con hươu cao cổ in trên nền trời. Đó là cẩu Kirov do Liên Xô viện trợ những năm 1960. Khi máy bay Mỹ bắn phá, phong tỏa cảng, các chú hươu vẫn vươn cổ đứng trong khói lửa.
Sau này, khi cảng đã được mở rộng về phía hạ nguồn và có nhiều thiết bị xếp dỡ hiện đại, dân nhiếp ảnh vẫn khoái chụp "hươu cao cổ" vì vẻ đẹp tạo hình của nó. Trong cảng, người ta gọi nó là "đế" vì nó có 4 chân đế chạy trên đường ray. Nhà văn công nhân Nguyễn Quốc Hùng, từng có trên 35 năm lái cẩu ở cảng, tiếc nuối chia sẻ: "Đã cũ, đã khấu hao, công nghệ cũng lạc hậu, nhưng 11 chiếc Kirov vẫn chạy ổn định, dễ lái nhất trong 22 cần cẩu ở cảng Hoàng Diệu. Cảng đóng cửa thì chắc nó thành sắt vụn".
Một ngày gần đây, đi qua phố Hoàng Diệu, tôi bỗng thấy tấm biển ghi số nhà 16 trên một trụ cổng đang bị phá. Đó là địa chỉ của Thư viện Cảng Hải Phòng, nơi hơn 30 năm trước tôi đã đến đọc báo và gặp một cô thủ thư. Chúng tôi quen nhau và nên duyên vợ chồng.
Thư viện cảng, cùng với nhà hàng Cảng Hải Phòng cách đó hơn trăm mét, và nhiều công trình liên quan đến Cảng Hải Phòng đã bị phá dỡ để chuyển mặt bằng cho TP.Hải Phòng làm công viên và xây cầu Nguyễn Trãi qua sông Cấm.
Nhà hàng cảng vốn là nhà ăn ca công nhân. Khi nó được phá, kỹ sư Nguyễn Văn Thanh, cựu cán bộ công trình cảng, đã đăng ảnh lên trang cá nhân và chú thích: "Restaurant cảng Hải Phòng sẽ chỉ còn là ký ức! Tôi đã giám sát xây dựng công trình này và tổ chức đám cưới cho con trai tại đây. Anh chàng đó sau 20 năm đã trở thành tổng giám đốc cảng".
Con ông Thanh là Nguyễn Tường Anh, đương kim Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (công ty mẹ của Cảng Hoàng Diệu). Ở Hải Phòng, rất nhiều gia đình có người làm việc hoặc tham gia chuỗi dịch vụ logistics liên quan đến cảng. Là tiền thân và biểu tượng, nên khi cảng Hoàng Diệu đóng cửa, bảo sao người Hải Phòng không xao xuyến cho được.
Lưu luyến
Cách đây chưa lâu, Hàn Vũ Lạc, cựu cán bộ xếp dỡ cảng Hoàng Diệu, đăng một bức ảnh chụp những công nhân đang nghỉ trưa trước giờ vào ca, kèm những vần thơ đau đáu về dòng sông, bến cảng của mình trên trang Facebook "Những người con của Cảng Hoàng Diệu": Có phải vắng mây nên gió hững hờ/Sông Cấm oằn mình, ngầu lên sắc đỏ. Lạc đã viết hàng trăm bài thơ về bến cảng nơi ông làm công nhân xếp dỡ suốt 30 năm.
Làm rể cảng, hơn 20 năm trước tôi cũng biên một ca khúc mang tên Bài ca sông Cấm cho vợ hát ở hội diễn cảng, trong đó có câu: Yêu lắm, những anh chàng lái đế trên cao/Những cô em giao nhận trong kho/Đang đưa đón những con tàu vào ra/Đang viết tiếp những lời bài ca, về bến cảng của ta… Nguyễn Quốc Hùng, nhà văn kể trên chính là "anh chàng lái đế" của tôi.
Là trung tâm cảng biển lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng có 52 bến cảng, trong đó Cảng Hoàng Diệu, nơi tôi đang kể chuyện, là cảng lớn nhất, mở cửa ra phố Hoàng Diệu. Khu vực này là được gọi là "Cảng Hải Phòng", hay "cảng chính".
Từ những năm 1990, Hải Phòng đã bàn chuyện dời cảng chính ra khỏi nội đô, vì đây là một bến cảng cũ, khá lạc hậu và ảnh hưởng đến giao thông, môi trường. Điều còn lại là những băn khoăn, tiếc nuối. Cảng Hoàng Diệu đã xếp dỡ hàng triệu tấn hàng viện trợ trong chiến tranh. Sau này là tua bin nhà máy thủy điện Thác Bà, máy móc các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La. Những ngày này, các mặt hàng tương tự vẫn xếp dỡ tại đây, khi cảng còn cố hoạt động đến phút cuối.
Cảng cũng còn khoảng 700 người, và chưa biết làm gì nếu hết việc. Đã nghỉ hưu, ông Lạc vẫn đặt câu hỏi đóng cửa cảng anh em sẽ về đâu. Gia đình ông có hai thế hệ làm công nhân xếp dỡ, người Hải Phòng gọi nôm là "bốc vác". Thân phụ ông là Hàn Diệu Sơ làm từ ngày Hải Phòng giải phóng, năm 1955. Khi bố nghỉ hưu, ông Lạc được tuyển dụng nối nghề cha.
Và hy vọng
"Chúng tôi đã đề xuất giữ lại một số di tích là nhà điều độ từ thời Pháp; một đoạn đường sắt chạy dọc cảng; một kho hàng do Liên Xô giúp xây dựng những năm 1960, một số cần trục con hươu Kirov, trận địa pháo cao xạ và khu tượng đài công nhân cảng, để người dân Hải Phòng được nhớ về một biểu tượng của thành phố và phục vụ tham quan, phát triển du lịch", ông Trần Lưu Phương, Giám đốc cảng Hoàng Diệu, bùi ngùi nói với tôi cách đây chưa lâu.
Đáng mừng là sau đó UBND TP.Hải Phòng đã có thông báo giữ nguyên trạng một số công trình trong cảng Hoàng Diệu. Một đề án mang tên "Chuyến tàu thăm cảng" cũng đã được ngành du lịch Hải Phòng đề xuất để đưa khách vào thăm cảng bằng tàu hỏa, tận dụng tuyến đường sắt nối từ ga Hải Phòng đến sát các cầu bến.
Nếu dự án này trở thành hiện thực, chúng ta có thể đến thăm bến cảng có tuổi 150 năm. Nơi đó có máu xương của những người Hải Phòng và thủy thủ trên các con tàu của phe xã hội chủ nghĩa đã đổ trong cuộc chiến tranh phá hoại. Có các nhà thơ lừng danh Lưu Quang Vũ, Thanh Tùng từng làm công nhân bốc vác, các nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Dung, Hồ Bắc đã về để viết ra những câu hát để đời: Khi xuân sang, trên bến cảng, đàn hải âu tung cánh bay rợp trời…
Bình luận (0)