Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến, thì nghề làm cốm ở làng Nông Xá tồn tại gần trăm năm nay, tập trung chủ yếu ở thôn Đông và thôn Nam. Lúc hưng thịnh nhất, cả làng đều làm cốm. Đến nay, vì nhiều lý do, chỉ còn 3, 4 hộ làm nghề. Trong đó, có gia đình các ông Bùi Văn Tuyển (60 tuổi) và Nguyễn Văn Đê (58 tuổi), đều ở thôn Nam, là duy trì làm cốm quanh năm.
[VIDEO] Thăm làng cốm Nông Xá một thời trứ danh đất Hải Phòng
|
Theo truyền thống các cụ để lại, cốm làng Nông Xá được làm từ lúa nếp cái hoa vàng, loại có hạt thóc to đẹp và rất thơm. Những người già trong làng bảo "thóc làm cốm phải nguyên chất lúa nếp cái, chỉ cần lẫn ít lúa tẻ là vứt, mất hương".
Thóc được phơi khô, cất trong bao. Trước khi đem đi làm cốm, thóc được ngâm nước, rửa sạch, đãi trấu rồi cho vào chảo gang rang. Bằng kinh nghiệm lành nghề, người thợ sẽ ước lượng được khi nào thóc chín tới để đổ ra cối giã. Thóc rang được giã đều tay đến khi vỏ thóc bung ra thành chấu còn hạt gạo thành cốm thơm mùi nếp chín. Cốm được giã 15 phút rồi đổ ra xảo để sảy, loại bỏ vỏ trấu thành cốm mộc. Cốm bán được nhiều nhất vào tháng 8, tháng 9 âm lịch hằng năm, số lượng đạt “đỉnh” vào dịp rằm Trung thu.
Quy trình làm cốm cứ liên tục khiến người thợ phải ngồi một chỗ liên tục cạnh bếp lò hồng rực nhiều giờ đồng hồ. Tiết trời thu dịu mát heo may mà người thợ vẫn nhễ nhại mồ hôi, mặt thì bám đầy bụi cám.
Có lẽ nghề làm cốm ở Nông Xá vất vả, lại theo thời vụ nên đang dần mai một. Gần chục người trong 2 lò cốm ở thôn Nam toàn là người già. Đưa tay vốc một vốc cốm lên mũi hít hà, ông Nguyễn Văn Đê ngậm nùi: “Sau này chúng tôi yếu đi, có lẽ nghề truyền thống các cụ để lại cũng mất thôi” .
Dưới đây là những hình ảnh phóng viên Thanh Niên ghi lại quá trình làm cốm mộc ở làng Nông Xá:
|
Bình luận (0)