Lưu ý khi lập di chúc đối với nhà đất

16/06/2023 04:19 GMT+7

Người lập di chúc có thể liên hệ với bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào tại Việt Nam để công chứng; ngoài ra còn có thể chứng thực di chúc tại UBND cấp xã.

Tôi có thửa đất vườn rộng 1.000 m2 tại Đồng Nai và 1 căn nhà tại TP.HCM nên muốn lập di chúc chia đều cho 2 con. Nay tôi đã già, đi lại khó khăn, tôi có thể công chứng di chúc ở đâu?

Trong trường hợp không công chứng, tôi có thể chứng thực di chúc được không? Việc chứng thực sẽ như thế nào?

Bạn đọc Trần Ngọc thắc mắc với Thanh Niên.

Chuyên gia tư vấn

Công chứng viên Quách Chí Đức (Văn phòng công chứng Trần Thanh Hải, TP.HCM) tư vấn, điều 42 luật Công chứng quy định:

Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Do đó, bạn có thể liên hệ bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào tại Việt Nam để công chứng di chúc đối với 2 bất động sản trên. 

Lưu ý khi lập di chúc đối với nhà đất - Ảnh 1.

Người lập di chúc có thể đến công chứng hoặc UBND cấp xã để chứng thực

NGÂN NGA

Ngoài việc công chứng, người lập di chúc còn có thể chứng thực di chúc tại UBND cấp xã có thẩm quyền.

Theo điều 5 Nghị định 23 năm 2015 của Chính phủ, bạn có thể đến bất kỳ UBND xã, phường, thị trấn để chứng thực di chúc đối với căn nhà và đất vườn trên.

Cũng theo điều 36 Nghị định 23, khi chứng thực di chúc, bạn nộp 1 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây: dự thảo di chúc (nếu có), bản sao giấy CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người lập di chúc, bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định. Bản sao những giấy tờ này được xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

Người thực hiện chứng thực sẽ kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực di chúc, nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực người lập di chúc tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.

Lưu ý, khi lập di chúc thì bạn phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp bạn không ký được thì phải điểm chỉ; nếu bạn không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 2 người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan.

Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Xem nhanh 12h ngày 16.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.