Lưu ý khi sử dụng thực phẩm để tránh ngộ độc botulinum

04/06/2023 10:38 GMT+7

Bộ Y tế tiếp tục có thông tin khuyến cáo phòng chống ngộ độc do botulinum. Theo đó, trong sản xuất, chế biến, các cơ sở phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn nghiêm ngặt.

Người dân chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các biểu hiện liên quan ngộ độc thường gặp là: xuất hiện sớm triệu chứng tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón; tiếp đó xuất hiện các triệu chứng về thần kinh như: liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt cổ lan xuống chân (sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng); sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân. Phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất; không có rối loạn cảm giác; đồng tử có thể giãn hai bên. Mức độ liệt từ nhẹ (mệt mỏi, mỏi cơ tương tự suy nhược cơ thể, không làm được các động tác gắng sức bình thường) đến liệt nặng (ứ đọng đờm dãi, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp). 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.