Lưu ý ôn tập bài thi khoa học tự nhiên

02/03/2017 09:03 GMT+7

Theo thăm dò ban đầu của các trường THPT, có đến hơn 80% học sinh lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Vì vậy, việc ôn tập các môn học thuộc bài thi này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ôn các dạng bài tập vật lý
Ông Lương Việt, tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho hay để ôn tập bài thi môn vật lý đạt hiệu quả, học sinh (HS) cần lưu ý những vấn đề sau: Cần nắm vững kiến thức lý thuyết cơ bản trong toàn bộ sách giáo khoa theo chương trình HS đã chọn. Vận dụng tốt các công thức, kết hợp với một số công thức nhanh trong việc giải một số bài toán khó để giảm bớt thời gian khi làm bài. Sử dụng máy tính bỏ túi để giải tắt một số bài toán định lượng (đặc biệt trong phần cơ học và điện xoay chiều). Ôn tập tất cả các dạng bài từ dễ tới khó. Cần nắm kỹ kiến thức để có khả năng tư duy phân tích, giải quyết những bài toán khó. Ngoài việc ôn tập với các thầy cô trên lớp, HS cần kết hợp ôn tập thêm trên internet.
HS chú ý các bài tập cơ bản ở dạng tự luận, rút ra những nhận xét và ghi nhớ để vận dụng vào bài làm trắc nghiệm. Cần làm tốt các bài tập trong sách giáo khoa (SGK), sau đó kết hợp với các tài liệu luyện thi để giải các dạng bài tập từ dễ đến khó. Cần có tư duy để giải các bài tập thuộc loại vận dụng và vận dụng cao. Khi ôn tập, chú ý về đơn vị, thứ nguyên và tính hợp lý của kết quả. Khi làm xong các phép tính, HS cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề, cân nhắc xem đáp số có phù hợp với thực tế không. Để nhớ lâu và hiểu sâu lý thuyết, HS phải ghi chép, hiểu bản chất, không được “học vẹt” và phải bám sát vào cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT.

tin liên quan

Ôn tập môn văn thi THPT hiệu quả
Từ thang điểm 4, câu nghị luận văn học của đề thi THPT quốc gia môn ngữ văn được tăng lên 1 điểm, chiếm 50% tổng số điểm bài thi. Như vậy, đây là câu hỏi quan trọng và có tính phân loại thí sinh nhiều nhất. 
Chú ý kiến thức thực nghiệm môn hóa
Năm nay, Bộ giới hạn nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đây là thuận lợi rất lớn trong việc ôn tập.
Ông Trần Trung Trực, giáo viên hóa Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú), khuyên HS cần ôn luyện thường xuyên các kiến thức đã học nhằm tránh quên, bối rối, không chắc chắn khi xử lý tình huống. Để làm tốt phần bài tập tính toán, HS cần chuẩn bị tốt các kiến thức về định luật bảo toàn khối lượng, nguyên tố, electron trao đổi, điện tích, chuyển đổi hỗn hợp các chất tương đương... Với việc chọn kết quả trắc nghiệm, HS chỉ xét nhanh các lượng chất tương quan chứ không cần xét đủ phương trình phản ứng, tự bỏ các bước theo trình tự như bài giải tự luận. Để làm được điều này, HS phải biết tự trang bị kiến thức cho mình.
Cũng theo ông Trần Trung Trực, những năm gần đây, đề thi thường có câu liên quan đến hình vẽ thực nghiệm, vì thế HS nên tham khảo các thí nghiệm mô tả trong SGK đồng thời tìm hiểu kiến thức liên quan đến đời sống xung quanh như ô nhiễm môi trường, chất gây nghiện…
Tăng cường tính thực tế ở môn sinh
Theo bà Phạm Thu Hằng, giáo viên môn sinh Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú, TP.HCM), muốn ôn tập đạt kết quả tốt môn sinh học, HS học đầy đủ kiến thức cơ bản trong SGK trước khi muốn mở rộng kiến thức nâng cao. Bởi HS nắm chắc kiến thức cơ bản, coi kiến thức trong SGK là nền tảng thì khi gặp câu hỏi vận dụng, bài tập tích hợp sẽ không lúng túng.
Song song với việc ôn tập, HS cần tăng cường tính thực tế vì chương trình sinh học lớp 12 cũng khá gần gũi với đời sống thực tiễn. Hiện nay cách thi mới đòi hỏi tính ứng dụng thực tế cao, khi học, HS cũng phải học cách ứng dụng.
Để làm được nhiều câu hỏi trong một đề thi trắc nghiệm, kiến thức rất nhiều và dàn trải, HS cần giảm bớt học thuộc lòng, tăng cường học hiểu, học vận dụng. Nên tìm hiểu, tham khảo một số câu hỏi vận dụng cơ bản (dành cho HS trung bình) thuộc về cấu trúc ADN, ARN, cơ chế phiên mã, dịch mã, đột biến gien, đột biến NST, quy luật Menđen, liên kết gien và hoán vị gien, tương tác gien, liên kết với giới tính, quần thể… Một số câu hỏi vận dụng nâng cao thuộc về toán lai, vận dụng tích hợp các quy luật di truyền, tích hợp toán lai với toán quần thể, tích hợp toán phả hệ với toán quần thể, tích hợp toán lai với toán đột biến số lượng NST… tương đối khó, phân loại cao dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.