Tuy nhiên trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, việc hạn chế di chuyển có thể dẫn đến sai lầm trong việc sử dụng thuốc hoặc tuân thủ điều trị, từ đó tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) cấp cứu cho trường hợp người bệnh Nguyễn Đức L. (62 tuổi, ngụ tại TP.HCM) do xuất hiện các triệu chứng lơ mơ, ngủ gà, tiếp xúc chậm và huyết áp cao hơn bình thường. Được biết ông L. đang được điều trị rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và nhồi máu não cũ bằng thuốc kháng đông cổ điển (thuốc kháng vitamin K) để phòng ngừa đột quỵ. Vì tình hình dịch bệnh phức tạp và giãn cách xã hội, ông L. không tái khám tại bệnh viện mà tự mua thuốc uống tiếp theo toa cũ.
Trước nhập viện một tuần, ông xuất hiện các triệu chứng đau nhức mỏi người, kèm sốt, tiêu chảy. Ông được người nhà mua thuốc thêm trị các triệu chứng mới thì xảy ra các triệu chứng lơ mơ, ngủ gà như trên và phải gọi cấp cứu.
ThS-BS. Lương Cao Sơn khám cho người bệnh |
bvcc |
Tại BV ĐHYD TP.HCM, sau khi xét nghiệm máu để kiểm tra lại, ông L. được ghi nhận suy thận mới xuất hiện kèm chỉ số INR kéo dài (máu quá loãng), kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não phát hiện xuất huyết não. Sau 10 ngày điều trị tình trạng rối loạn đông máu, bù dịch nâng đỡ chức năng thận, sức khỏe ông L. có cải thiện nhưng vẫn còn nói đớ và yếu nhẹ nửa bên người.
Lưu ý sử dụng thuốc kháng đông trong bệnh lý tim mạch
Theo GS-BS-TS. Trương Quang Bình - Phó giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TP.HCM, khi huyết khối hình thành trong lòng mạch hoặc tim sẽ làm gián đoạn lưu thông máu và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Sử dụng thuốc kháng đông có hiệu quả trong việc chống hoặc giảm khả năng hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu.
Đối với các bệnh tim mạch khác nhau như van tim cơ học, huyết khối tĩnh mạch, rung nhĩ… sẽ có các chỉ định khác nhau đối với việc sử dụng thuốc kháng đông, phụ thuộc vào tình trạng của từng cá thể. Người bệnh không thể tự ý quyết định loại thuốc hay liều lượng thuốc kháng đông mà phải tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả, an toàn và tránh tác dụng phụ. Ngoài ra, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên tại các sở y tế theo yêu cầu từ bác sĩ để được xem xét và điều trị theo từng giai đoạn.
ThS-BS. Lương Cao Sơn - Phó trưởng khoa Nội tim mạch BV ĐHYD TP.HCM - cho biết hiện nay thuốc kháng đông dạng uống được chia làm hai loại: Thuốc kháng đông cổ điển (nhóm thuốc kháng vitamin K) và thuốc kháng đông thế hệ mới với các ưu, nhược điểm khác nhau. Khi điều trị bằng thuốc kháng đông cổ điển, người bệnh được yêu cầu phải theo dõi và xét nghiệm đông máu định kỳ để đảm bảo hiệu quả và điều chỉnh thuốc khi cần thiết. Đối với thuốc kháng đông thế hệ mới, người bệnh không cần thực hiện xét nghiệm thường xuyên. Tuy hiệu quả tương đối ổn định hơn, nhưng người bệnh vẫn cần kiểm tra chức năng gan thận mỗi năm 1-2 lần hoặc khi xuất hiện một bệnh lý cấp tính khác kéo dài nhiều ngày.
Đặc biệt, người bệnh uống thuốc kháng đông nhưng không tái khám khi có thay đổi tình trạng bệnh lý, hoặc uống thêm các loại thuốc khác (kể cả các thuốc trị bệnh thông thường hay thực phẩm chức năng) ngoài toa chỉ định của bác sĩ có thể gây tương tác với thuốc kháng đông đang điều trị, làm gia tăng quá mức hiệu lực và đưa đến biến chứng nguy hiểm tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Khuyến cáo cho người bệnh sử dụng thuốc kháng đông trong thời gian giãn cách xã hội
ThS-BS. Lương Cao Sơn chia sẻ, điều trị bệnh tim mạch bằng thuốc kháng đông đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ thật nghiêm ngặt về liều lượng, thời gian và thực hiện các xét nghiệm liên quan theo đúng yêu cầu của bác sĩ điều trị. Việc uống không đúng liều, đủ thuốc sẽ làm giảm hiệu quả chống đông máu. Và ngược lại, khi người bệnh uống quá liều có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết vô cùng nguy hiểm.
Ngay cả trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh như hiện tại người bệnh vẫn cần tuân thủ theo các nguyên tác điều trị để đảm bảo an toàn. Người bệnh tuyệt đối không tự ý đổi, ngừng hoặc gia giảm liều lượng thuốc vì bất kỳ thay đổi nào mà không được bác sĩ chỉ định đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Người bệnh đang sử dụng thuốc kháng đông dự phòng bệnh tim mạch cần duy trì liên lạc với bác sĩ điều trị, trao đổi ngay để nhận tư vấn và hướng dẫn xử lý thích hợp với các tình huống xảy ra bất ngờ trong giai đoạn dịch bệnh: Hết thuốc, cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt, đau đầu, phù chân, bầm máu dưới da, đau ngực, khó thở…
Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc kháng đông an toàn, hiệu quả cho người bệnh tim mạch, BV ĐHYD TP.HCM thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe - Sẻ chia với chủ đề: Sử dụng an toàn thuốc kháng đông trong dự phòng các bệnh lý tim mạch.
Theo dõi chương trình tại kênh YouTube bệnh viện: https://bit.ly/sudungantoanthuockhangdong
Bình luận (0)