Lý Chiêu Hoàng - Đau và đẹp

08/03/2021 06:13 GMT+7

NSND Hoàng Yến đầu tư vở kịch lịch sử Thành Thăng Long thuở ấy , dự kiến bắt đầu công diễn ngày 10, 18.3 và 1.4, sau đó diễn hợp đồng cho các trường học tại TP.HCM.

Rất nhiều tràng pháo tay dành tặng cho một vở kịch lịch sử đẹp và sâu sắc dường ấy. Bối cảnh cuối triều Lý, đầu triều Trần với biết bao bi kịch và thân phận Lý Huệ Tông, Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, Trần Liễu, Lý Chiêu Hoàng, Lý Thuận Thiên luôn gây cảm xúc và trăn trở cho giới nghệ thuật. Phim, kịch, cải lương đều có. Lần này kịch bản xoáy sâu vào thân phận Lý Chiêu Hoàng. Bà đau vì mất ngai vàng, mất cả tình yêu và vai trò người vợ, chưa kể mất cha khi cha bị bức tử, mất mẹ vì mẹ lọt vào tay thái sư, và mất một đứa con trong bụng ở thời điểm son trẻ. Đời Lý Chiêu Hoàng hầu như là mất mát, chỉ có 10 năm ngắn ngủi bên cạnh Trần Cảnh để rồi bà ôm mối tình thanh mai trúc mã xuống tận tuyền đài.
NSND Hoàng Yến vào vai Lý Chiêu Hoàng sóng đôi với Lê Hoàng Giang vai Trần Cảnh quá đẹp và tinh tế. Ở đây, Lý Chiêu Hoàng hiện lên rất mạnh mẽ và dũng cảm chứ không phải một phế đế nhu nhược. Bà thẳng thắn đối diện với Trần Thủ Độ, dám nói, dám phản kháng. Tất nhiên, trong hoàn cảnh của một người 19 tuổi thân cô thế cô thì phải chịu thua nhưng bà không hề tỏ ra hèn yếu. Đến năm 40 tuổi cũng thế, vẫn là một Lý Chiêu Hoàng tái ngộ kẻ thù trong tư thế đẹp.
Lớp diễn đẹp nhất và đau nhất là lúc Trần Cảnh (Trần Thái Tông) sau khi xa cách Lý Chiêu Hoàng suốt 20 năm đã gọi bà về ban chỉ tái hôn cho bà và Lê Tần, một vị tướng giỏi, yêu thương bà hết mực. Từng bước chân dè dặt trở lại hoàng cung, từng ngón tay sờ lên thành quách một thời, từng ánh mắt bàng hoàng gặp lại người xưa, từng cái nắm tay cố tình và từ chối, từng cái quay lưng thổn thức, từng nụ cười khỏa lấp cho người kia yên lòng... Cả hai nghệ sĩ diễn tinh tế và sâu lắng trên nền của sự im lặng không lời thoại, trên nền của âm nhạc rất nhẹ, vậy mà khán giả rơi nước mắt. Cái đau không gào thét, không ồn ào lời trách, lời than, không vật vã, quay cuồng như nhiều lớp diễn quen thuộc trên sân khấu. Ở đây, mọi thứ đều lặng lẽ mà cào nát tim người xem.
Khán giả cũng rất tri âm, lắng nghe từng lời văn chương đẹp đẽ, quan sát từng chi tiết tỉ mỉ. Một kiểu diễn kịch không lên gân, không màu mè hoa lá, chỉ hấp dẫn bằng chính sức mạnh nội tâm, bằng sự chân thật lồng vào tay nghề vững chãi. Ngay cả thiết kế sân khấu cũng tối giản, chỉ cần hai bục xoay màu trắng bạc nổi bật trên phông đen. Và nhờ vậy cũng nổi bật trang phục màu đỏ dành cho tất cả nhân vật, nhưng đỏ mà không chói, không quê, chính là tay nghề của nhà thiết kế Sĩ Hoàng.
Đặc biệt, những ca khúc mà nhạc sĩ Nguyễn Hà Trung viết riêng cho vở rất đẹp và hiện đại. Ngạc nhiên nhất là có nhiều đoạn rap được đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà dũng cảm đưa vào, vậy mà không hề chỏi với không gian lịch sử, càng khiến vở diễn gần với lớp trẻ, đúng với dự án đem kịch vào trường học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.