** Bài viết tiết lộ nội dung phim
Trước khi ra mắt tại quê nhà Việt Nam vào ngày 15.11, Cu li không bao giờ khóc nhận nhiều "quả ngọt" khi tham gia các liên hoan phim quốc tế, trong đó có giải Phim dài đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 74. Tác phẩm cũng đánh dấu lần đầu điện ảnh Việt nhận được giải thưởng này.
Chuyện phim xoay quanh bà Nguyện (NSND Minh Châu đóng), một phụ nữ lớn tuổi luôn cố giữ sợi dây gắn kết với quá khứ. Lo tang xong cho chồng cũ tại châu Âu, bà Nguyện trở về Việt Nam cùng với hũ tro và một con cu li do ông để lại. Giữa lúc tâm trí rối bời vì những kỷ niệm, bà nhận tin cô cháu gái (Hà Phương) phải làm đám cưới "chạy bầu" với người bạn trai kém nhiều tuổi. Trong lúc lớp trẻ tất bật lo cho hiện tại, bà Nguyện mắc kẹt trong hoài niệm. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với cậu trai trẻ (Hoàng Hà) tại phòng trà thường lui tới giúp bà Nguyện có cơ hội giải quyết xung đột bên trong tâm hồn mình, cũng như cho bà động lực để đi tìm lại những người bạn ngày xưa.
Hình tượng cu li mang ý nghĩa gì?
Theo chia sẻ của Phạm Ngọc Lân, cu li là loài sinh vật khiến anh thấy thú vị. "Cu li" là từ mượn tiếng Pháp (coolie) là từ chỉ những người lao động cấp thấp, bị xã hội xem nhẹ - như các nhân vật chính trên phim. Tuy nhiên, "cu li" cũng là một từ có giá trị "muôn năm cũ", mà ngày hôm nay ít ai còn biết đến. Bản thân sinh vật là đại diện cho những giá trị truyền thống, tuy đáng quý, nhưng dần trở nên xưa cũ, khó tìm được chỗ đứng trong xã hội hiện đại.
Xuyên suốt phim, những người trẻ nếu không gọi sai tên sinh vật này, thì cũng đánh đồng nó với loài khỉ. Chi tiết này khắc họa một khoảng cách lớn về thế hệ dẫn đến sự bất đồng trong giao tiếp, ứng xử. Bà Nguyện không cho phép cô cháu gái khóc, vì thế hệ của bà không có quyền được khóc. Ngược lại, việc người ta gọi sai tên, hay không biết về loài cu li, cũng như việc những hoài niệm quá khứ của bà Nguyện không phải ai cũng có thể gọi tên và chịu thấu hiểu.
Trên phim, với đôi mắt luôn mở to trong bóng tối, cu li nhìn thấu hết tâm tư của từng nhân vật, những khoảnh khắc cô đơn của bà, sự lo âu pha chút sợ sệt khi đối diện hôn nhân của cô cháu gái, hay cảnh cậu người yêu trẻ tuổi vì bất cẩn mà mạo phạm đến hũ tro của chồng bà Nguyện.
Qua "đôi mắt" của cu li, người xem thấy rõ những góc khuất sâu thẳm nhất, hay có thể xem là những nỗi niềm không thể gọi tên của gia đình bà Nguyện. Bà Nguyện và cô cháu không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến việc cả hai thường cãi vã, dằn vặt nhau. Bà nghĩ cô cháu quá ngốc nghếch nên mới để dính bầu, còn cô chẳng hiểu sao bà quá cổ hủ, không chịu hiểu mình. Con cu li nhìn thấy được đằng sau những lời đôi co, hai dì cháu vẫn dành cho nhau tình yêu thương, dù có mất tất cả thì họ vẫn còn có nhau; tuy nhiên, chính họ chỉ chấp nhận điều đó ở cuối phim.
Gặp nhau để nói lời từ biệt
Thông điệp chính của phim là sự buông bỏ, nhưng không phải phủi sạch những giá trị cũ, mà buông bỏ quá khứ để chữa lành hiện tại. Nhà làm phim chọn tông màu chủ đạo trắng - đen, với những khung hình duy mỹ nhằm gợi nên cảm xúc hoài niệm.
Nếu để ý kỹ, cùng sắc xám, song màu phim sáng dần lên theo diễn biến câu chuyện, thể hiện góc nhìn tích cực của Phạm Ngọc Lân khi xây dựng cuộc đời và số phận bà Nguyện. Người xem nhận ra hình ảnh bà Nguyện có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu. Đó là những người lớn tuổi dành cả cuộc đời bôn ba, để khi ở tuổi xế chiều lại muốn tìm về nơi chốn cũ.
Ở hồi giữa của tác phẩm, Phạm Ngọc Lân để bà Nguyện cùng chàng trai trẻ quen ở phòng trà quay về nhà máy thủy điện - nơi ngày xưa bà gặp chồng mình. Đạo diễn cho nhân vật cơ hội gặp lại những người đồng nghiệp ngày xưa, ôn kỷ niệm, rồi nói lời từ biệt. Hình ảnh bà rải tro của chồng nơi đập nước, thả con cu li trở về rừng, cho thấy bà vẫn trân quý, nhưng chấp nhận cất quá khứ vào trong tim để hướng về hiện tại - nơi lễ cưới của cháu bà sắp diễn ra.
Lúc này, sự sắp đặt của kịch bản lại trở nên cần thiết, chứ không hề gượng ép. Bà Nguyện có dịp gặp lại và làm lành với người đàn ông từng có hiềm khích với mình năm xưa, do nghệ sĩ Thương Tín thể hiện. Phân cảnh này không chỉ giàu tính nhân văn trên phim, mà còn đong đầy cảm xúc ngoài đời thực.
Theo NSND Minh Châu, cũng phải 20 năm rồi bà mới có dịp gặp lại nghệ sĩ Thương Tín, nên cảm xúc của bà thổi vào nhân vật hoàn toàn là thật. Cũng theo đạo diễn Phạm Ngọc Lân, Cu li không bao giờ khóc có thể là phim điện ảnh cuối cùng nghệ sĩ Thương Tín tham gia, do tình hình sức khỏe hiện tại của ông.
Có nhiều điểm cộng về giá trị nghệ thuật và cách khai phóng câu chuyện là thế, song Cu li không bao giờ khóc cũng còn hạn chế. Trước hết, mạch phim chậm, nhiều pha chuyển cảnh mang phong cách cá nhân đạo diễn dễ khiến khán giả thấy khó bắt kịp nhịp. Ngoài ra, một số phân đoạn hài được lồng ghép có phần dài hơi, khiến vài đoạn hơi lan man.
Nhìn chung, Cu li không bao giờ khóc là phim độc lập giàu chất thơ, mang nét riêng của đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Ra rạp Việt Nam trong thời điểm này, phim sẽ gặp thế khó trước nhiều bom tấn ngoại, trong đó có The Gladiator 2 (Võ sĩ giác đấu 2). Vào tuần sau, phim còn giáp mặt Wicked và phim kinh dị Linh Miêu do Võ Thanh Hòa sản xuất - đều có tính giải trí cao.
Bình luận (0)