Lý do giúp các địa phương có tỷ lệ vào đại học cao

14/03/2023 06:05 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã công bố nhiều chỉ số liên quan đến chất lượng như tỷ lệ trúng tuyển đại học - nhập học so với học sinh tốt nghiệp THPT của các địa phương. Từ đó cho thấy có những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ này.

KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN, HIẾU HỌC GIA TĂNG TỶ LỆ TRÚNG TUYỂN

Qua số liệu thống kê nhận thấy rằng, địa phương có chất lượng giáo dục tốt, kinh tế - xã hội phát triển và tinh thần hiếu học cao dẫn đến tỷ lệ trúng tuyển đại học - nhập học cao. Trong 21 địa phương có tỷ lệ trúng tuyển ĐH trên 50%, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (có 8 địa phương), đồng bằng sông Hồng (8), Đông Nam bộ (3), đồng bằng sông Cửu Long (1), miền núi phía bắc (1) và Tây nguyên không có địa phương nào.

Những địa phương có kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng giáo dục tốt là những địa phương có thứ hạng điểm toán và ngoại ngữ cao. Hai môn học này có lợi thế trong tuyển sinh ĐH, vì thuộc nhiều tổ hợp khối D. Chẳng hạn, Bình Dương (thứ hạng toán: 2; thứ hạng ngoại ngữ: 2; thứ hạng trúng tuyển: 1); TP.HCM (3; 2; 5), Nam Định (1; 8; 6), Hải Phòng (8; 5; 7), Hà Nội (11; 4; 9); Đà Nẵng (12; 6; 3), Bắc Ninh (9; 10; 10), Bà Rịa-Vũng Tàu (13; 3; 12), Hà Nam (6; 22; 13), Bình Định (17; 12; 14), Ninh Bình (4; 9; 16), Tiền Giang (10; 17; 19).

Lý do giúp các địa phương có tỷ lệ vào đại học cao - Ảnh 1.

Học sinh tỉnh Bình Dương tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2023 của Báo Thanh Niên. Đây là tỉnh xếp thứ 1 về tỷ lệ trúng tuyển nhập học ĐH.

NGỌC LONG

Một số địa phương có thứ hạng điểm toán và ngoại ngữ không cao, nhưng nhờ tinh thần hiếu học (học để thoát nghèo), nên có thứ hạng trúng tuyển ĐH cao, như: Thừa Thiên-Huế (thứ hạng toán: 24; thứ hạng ngoại ngữ: 35; thứ hạng trúng tuyển ĐH: 2); Phú Yên (39; 41; 8), Khánh Hòa (30; 14; 4), Hưng Yên (18; 30; 11), Quảng Ngãi (32; 26; 15), Quảng Nam (33; 38; 18), Ninh Thuận (44; 43; 21).

Ngược lại, có địa phương thứ hạng điểm toán và ngoại ngữ tương đối cao, nhưng thứ hạng trúng tuyển thấp, như: Vĩnh Phúc (thứ hạng toán: 7; thứ hạng ngoại ngữ: 7; thứ hạng trúng tuyển: 28), Lâm Đồng (19; 13; 22), Long An (16; 18; 30), An Giang (22; 16; 32), Cần Thơ (25; 19; 33), Đồng Nai (30; 11; 34), Hà Tĩnh (20; 30; 40), Phú Thọ (28; 25; 48), Bắc Giang (27; 24; 46), Thanh Hóa (42; 49; 42), Tây Ninh (29; 34; 43), Nghệ An (34; 47; 44), Quảng Bình (48; 42; 54). Những địa phương này có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước và thế mạnh xuất khẩu lao động nên nhiều học sinh sau tốt nghiệp tham gia lao động hoặc xuất khẩu lao động.

Nhìn chung các tỉnh miền núi phía bắc, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có thứ hạng điểm toán, ngoại ngữ thấp, kinh tế của người dân khó khăn nên tỷ lệ trúng tuyển ĐH thấp. Trong 19 tỉnh tỷ lệ trúng tuyển dưới 40%, có 18 tỉnh thuộc 3 vùng trên (trừ Quảng Bình thuộc Bắc Trung bộ). 9 tỉnh có tỷ lệ trúng tuyển dưới 30% đều thuộc miền núi phía bắc. Đây là minh chứng rõ ràng về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của các tỉnh miền núi, vùng khó khăn vẫn còn rất thấp.

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC DỰA TRÊN CHỈ SỐ NÀO ?

Việc Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh hằng năm là một giải pháp minh bạch và cải tiến chất lượng. Đây là những chỉ báo tốt, giúp địa phương xác định vị trí của mình và không ngừng cải tiến chất lượng giáo dục. Nhà nước cũng có cơ sở để đưa ra những chính sách giáo dục phù hợp, kịp thời. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng giáo dục không thể chỉ dựa trên một chỉ số nào đó, mà cần dựa trên nhiều chỉ số khác nhau.

Ba môn toán, văn, ngoại ngữ là 3 môn công cụ quan trọng, tham gia vào nhiều tổ hợp tuyển sinh ĐH. Vì vậy, thứ hạng tổng điểm 3 môn này cho chúng ta nhìn nhận về chất lượng giáo dục cốt lõi của một địa phương.

Một trong 3 mục tiêu của thi tốt nghiệp THPT là, đánh giá chất lượng dạy và học của nhà trường, công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục, do đó thứ hạng trung bình điểm thi sẽ đánh giá về mức độ phù hợp của đầu ra học sinh so với mục tiêu của chương trình giáo dục.

Còn tỷ lệ trúng tuyển ĐH - nhập học, là một chỉ số vừa thể hiện chất lượng giáo dục gắn với mục tiêu phân hóa, vừa phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội, vừa thể hiện tinh thần hiếu học của học sinh. Nhưng một số địa phương có thứ hạng tỷ lệ trúng tuyển ĐH cao, không có nghĩa là chất lượng giáo dục cao. Chẳng hạn, Thừa Thiên-Huế có thứ hạng trúng tuyển ĐH xếp thứ 2, Khánh Hòa xếp thứ 4, không thể nói hai địa phương này có chất lượng giáo dục cao hơn TP.HCM (xếp thứ 5), Hải Phòng (7).

Vì vậy, để có đánh giá một cách toàn diện về chất lượng giáo dục THPT của một địa phương, cần có sự tổng hợp của 3 chỉ số này. Những địa phương có chất lượng cao có xếp hạng cao của cả 3 chỉ số này và ngược lại. Theo cách xếp hạng như trên, có 10 địa phương dẫn đầu là: Bình Dương (xếp hạng 1), Nam Định (2), Hải Phòng (3), TP.HCM (4), Bắc Ninh (5), Ninh Bình (6), Hà Nam (7), Vĩnh Phúc (8), Hà Nội (9), Tiền Giang (10). 10 địa phương xếp cuối, bao gồm: Đắk Lắk (54), Trà Vinh (55), Hậu Giang (56), Điện Biên (57), Lạng Sơn (58), Đắk Nông (59), Sơn La (60), Cao Bằng (61), Lai Châu (62), Hà Giang (63).

Lý do giúp các địa phương có tỷ lệ vào đại học cao - Ảnh 2.

MỞ RỘNG QUY MÔ VÀ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐH

Bộ GD-ĐT đã công bố tỷ lệ nhập học theo các phương thức xét tuyển như sau: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (chiếm 52,38%), xét kết quả học tập cấp THPT (36,24%), sử dụng phương thức khác 4,1%, xét tuyển thẳng theo đề án cơ sở đào tạo (1,93%), xét điểm đánh giá năng lực và đánh giá tư duy (1,34%). Trong khi Bộ cũng chưa công bố tỷ lệ trúng tuyển - nhập học theo các phương thức xét tuyển của từng địa phương. Do đó, Bộ GD-ĐT cần tính toán và công bố số liệu này để các địa phương đánh giá chất lượng giáo dục tốt hơn. Trên cơ sở đó, các địa phương, từng trường học có giải pháp cải tiến chất lượng giáo dục.

Nhà nước cũng cần có chính sách và đầu tư cho giáo dục ĐH để mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo, để tuyển được nhiều học sinh, bởi tỷ lệ nhập học ĐH trong độ tuổi (18 - 25) của VN rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Tỷ lệ này của VN là 28%, trong khi Thái Lan là 43%, Hàn Quốc và Nhật Bản trên 60%. 

6 địa phương trên 60% và 9 địa phương dưới 30%

Qua số liệu thống kê năm 2022 cho thấy, tỷ lệ trung bình của cả nước là 48,09% (cứ 100 em tốt nghiệp THPT thì có 48 em xác nhận nhập học ĐH). Trong đó:

Tỷ lệ trúng tuyển ĐH trên 60% có 6 địa phương, gồm: Bình Dương (xếp thứ 1; tỷ lệ 67,42%), Thừa Thiên-Huế (2; 62,57%), Đà Nẵng (3; 61,88%), Khánh Hòa (4; 60,76%), TP.HCM (5; 60,74%) và Nam Định (6; 60,54%).

Tỷ lệ trúng tuyển ĐH từ 50% đến dưới 60% có 15 địa phương, gồm: Hải Phòng (xếp thứ 7; tỷ lệ 58,55%), Phú Yên (8; 57,1%), Hà Nội (9; 56,81%), Hưng Yên (10; 56,62%), Bắc Ninh (11; 56,12%), Bà Rịa-Vũng Tàu (12; 54,61%), Hà Nam (13; 54,59%), Bình Định (14; 53,5%), Quảng Ngãi (15; 52,67%), Ninh Bình (16; 51,99%), Thái Nguyên (17; 51,63%), Quảng Nam (18; 50,75%), Ninh Thuận (19; 50,53%), Tiền Giang (20; 50,24%), Thái Bình (21; 50,16%).

Tỷ lệ trúng tuyển ĐH từ 40% đến dưới 50% có 23 địa phương, gồm: Lâm Đồng (xếp thứ 22; tỷ lệ 49,52%), Quảng Trị (23; 49,49%), Bạc Liêu (24; 48,11%), Vĩnh Long (25; 47,86%), Hải Dương (26; 47,4%), Đồng Tháp (27; 46,84%), Vĩnh Phúc (28; 46,6%), Quảng Ninh (29; 46,56%), Long An (30; 45,46%), Kon Tum (31; 45,4%), An Giang (32; 45,37%), Cần Thơ (33; 45,25%), Đồng Nai (34; 45,12%), Gia Lai (35; 45,06%), Bình Thuận (36; 43,78%), Cà Mau (37; 43,77%), Bình Phước (38; 43,1%), Bến Tre (39; 43,04%), Hà Tĩnh (40; 42,02%), Kiên Giang (41; 41,64%), Thanh Hóa (42; 41,46%), Tây Ninh (43; 41,01%), Nghệ An (44; 40,35%).

Tỷ lệ trúng tuyển ĐH từ 30% đến dưới 40% có 10 địa phương, gồm: Trà Vinh (xếp thứ 45; tỷ lệ 39,98%), Bắc Giang (46; 39,48%), Đắk Lắk (47; 39,46%), Phú Thọ (48; 38,44%), Lào Cai (49; 35,36%), Sóc Trăng (50; 35,35%), Đắk Nông (51; 34,01%), Hậu Giang (52; 32,69%), Bắc Kạn (53; 30,74%) và Quảng Bình (54; 30,72%).

Tỷ lệ trúng tuyển ĐH dưới 30% có 9 địa phương, gồm: Yên Bái (xếp thứ 55; tỷ lệ 29,36%), Tuyên Quang (56; 28,8%), Hòa Bình (57; 28,54%), Điện Biên (58; 27,46%), Cao Bằng (59; 24,29%), Lạng Sơn (60; 24,87%), Sơn La (61; 24,87%), Hà Giang (62; 21,53%), Lai Châu (63; 20,39%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.