Hoang mang vì chủ quan không tìm hiểu kỹ
Đạt hơn 23 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Nguyễn Thùy Trang, học sinh Trường THPT Dĩ An, Bình Dương, cảm thấy e ngại khi chọn xét tuyển khối D01 vì điểm đạt được không như kỳ vọng.
"Trước khi công bố điểm, em tham khảo ý kiến trên mạng thì đều nói đề năm nay phân hóa cao nên điểm sẽ thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, khi chính thức công bố thì phổ điểm năm nay ở khối em dự định chọn lại ngang bằng năm rồi. Vì vậy, em sợ không đủ điểm để chọn những trường top hay ngành hot", nữ sinh bày tỏ.
Lý do khác khiến Thùy Trang chần chừ khi chọn ngành là do chưa có định hướng từ trước: "Lúc đi học em khá chủ quan, luôn nghĩ rằng còn quá sớm để tìm hiểu, suy nghĩ đến việc chọn ngành, chọn trường. Một phần là vì em luôn thấy vô định, hoàn toàn không có mục tiêu rõ ràng hay ước mơ vào ngành nào đó. Bởi thế, việc cân nhắc đăng ký nguyện vọng của em khá khó khăn", Thùy Trang bộc bạch.
Tương tự, Lê Thị Huyền Trang (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Bình Dương) dự định đăng ký xét tuyển vào ngành khoa học máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM. "Điểm của em không cao nên em đang gấp rút tìm hiểu thêm những ngành học khác hoặc cùng ngành học này nhưng ở các trường lấy điểm thấp hơn. Có những ngành em tìm hiểu phù hợp với mức điểm của mình nhưng em chưa dám đăng ký vì không biết ngành đó học cái gì, bản thân có phù hợp không…", nữ sinh nói.
Còn L.T.H (học sinh Trường tiểu học-THCS-THPT Hoa Sen, TP.Dĩ An, Bình Dương) mong muốn theo học ngành sư phạm ngữ văn nhưng vẫn phân vân chưa đăng ký nguyện vọng vì điểm số không như mong đợi.
"Em đang lo lắng vì điểm em đạt được thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển năm ngoái. Bên cạnh đó, gia đình không tán thành việc em theo học ngành sư phạm ngữ văn mà lại muốn em học sư phạm tiếng Anh, trong khi em tự đánh giá mình không có năng khiếu ở ngành này. Hiện em đang phân vân giữa việc chọn nguyện vọng mình thích ban đầu hay bẻ lái sang chọn một ngành khác ở trường tư hoặc đi du học", H. chia sẻ.
Tự tin vào quyết định của bản thân
Trao đổi với Báo Thanh Niên, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét giai đoạn này thí sinh nên cân nhắc kỹ điểm số của mình để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
"Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo về một ngành học, điều này tăng khả năng lựa chọn lên thí sinh. Nếu vẫn còn lưỡng lự giữa ngành mình thích nhưng sợ không đỗ và một ngành khác thì cứ mạnh dạn đăng ký vì số lượng nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên. Còn nếu như điểm số không quá cao, các bạn có thể dự phòng đăng ký ngành học đó ở một trường lấy điểm chuẩn thấp hơn, như vậy các bạn sẽ không phải lăn tăn rằng mình không được học ngành mình thích", thầy Hạ nói.
Về câu chuyện cha mẹ và con cái không tìm được tiếng nói chung khi lựa chọn ngành học, thầy Hạ khuyên cả hai bên nên "nhường nhau một bước", ngồi lại đánh giá ý kiến của nhau.
"Thí sinh nên đặt mình vào vị trí của ba mẹ để hiểu sự lo lắng của họ. Ba mẹ bao giờ cũng mong muốn các bạn sẽ ra trường, có việc làm, thu nhập ổn định. Nếu cảm thấy định hướng của ba mẹ không phù hợp thì thí sinh hãy mạnh dạn chia sẻ định hướng của bản thân, chứng minh mình đã đủ chín chắn, nghiêm túc và suy nghĩ thấu đáo khi lựa chọn ngành học đó", thầy Hạ chia sẻ.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thị Việt Tú, Phó phòng đào tạo ĐH, phụ trách mảng tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc Tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, lưu ý thí sinh cần lưu ý 3 vấn đề sau khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT: mã trường, mã ngành học mong muốn và thứ tự nguyện vọng ưu tiên.
"Bản thân thí sinh hiểu rõ nhất về khả năng của mình nên hãy mạnh dạn đăng ký ngành học mà mình thích, những ý kiến còn lại có thể nghe để tham khảo. Phụ huynh nên lắng nghe nguyện vọng của con em, hãy định hướng thay vì bắt ép con học một ngành vượt quá năng lực", cô Tú chia sẻ.
Với những thí sinh vẫn còn phân vân, chưa chốt nguyện vọng, tại thời điểm này, các bạn nên nhanh chóng tìm hiểu những ngành học phù hợp số điểm và năng lực tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh, website các trường ĐH và theo dõi thông tin ngành học được báo chí đăng tải.
"Các trường ĐH hiện nay đều cập nhật rất đầy đủ thông tin tuyển sinh và thông tin ngành học lên website của mình nên thí sinh đừng lo thiếu dữ liệu. Thí sinh nên tìm hiểu những điều cơ bản nhất như mình thích gì, muốn làm nghề gì, có thể học gì từ sở thích của mình, từ đó lựa chọn ngành học và trường tương ứng đào tạo ngành đó", cô Tú khuyên.
Các mốc thời gian cần lưu ý trong xét tuyển ĐH 2023
Theo kế hoạch tuyển sinh, từ 8 giờ ngày 10.7 đến 17 giờ ngày 30.7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Khi đã xếp theo thứ tự ưu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể.
Những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng. Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành, trường đó.
Kết thúc thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, từ ngày 31.7 đến 17 giờ ngày 6.8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Trước 17 giờ ngày 22.8, các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn ĐH 2023 và kết quả xét tuyển. Thí sinh cần lưu ý để nhận kết quả trúng tuyển và nhập học trên hệ thống theo đúng thời gian quy định.
Trước 17 giờ ngày 6.9, tất cả các thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học sẽ phải đợi xét tuyển bổ sung vào các đợt xét tuyển tiếp theo của các trường ĐH.
Bình luận (0)