ĐH Quốc gia Úc (Australian National University-ANU) tổ chức ngày hội thông tin dành cho học sinh, sinh viên và phụ huynh Việt Nam hôm 5.8, thu hút hàng trăm người tham dự ở TP.HCM. Sự kiện quy tụ đại diện của đủ 7 khoa tại trường và bộ phận xét duyệt hồ sơ nhằm chia sẻ, giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người học.
Những chính sách ưu ái người Việt
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên bên lề sự kiện, ông Andy Phạm, Quản lý cấp cao khu vực Mê Kông của ANU, cho hay trước đây trường chỉ tổ chức ngày hội thông tin tại một số quốc gia như Singapore, Ấn Độ. Đây là năm đầu tiên Việt Nam trở thành một trong những điểm đến của sự kiện này.
"Việt Nam đang là thị trường tiềm năng với nhiều học sinh giỏi, sở hữu năng lực tiếng Anh tốt. Đồng thời, ANU vừa ra chính sách xét tuyển thẳng học sinh Việt Nam từ 92 trường chuyên, trường điểm bằng học bạ lớp 12 bắt đầu từ năm 2024, và đây là cơ hội để các bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về trường", ông Andy lý giải.
Cũng theo ông Andy, hằng năm ANU cấp hơn 200 suất học bổng 25% và 50% cho sinh viên quốc tế các bậc học, trong đó ưu tiên Việt Nam. Học bổng chỉ xét dựa trên một yếu tố duy nhất là điểm trung bình học tập (GPA), không tính kết quả của những kỳ thi chuẩn hóa hay thành tích hoạt động ngoại khóa, bài luận để giảm áp lực, đại diện ANU nhấn mạnh.
ANU là thành viên của liên minh 8 trường ĐH hàng đầu tại Úc (Group of Eight), xếp hạng 34 trên thế giới theo QS World University Rankings 2024. Ngoài ANU, 7 trường hàng đầu khác đều có chính sách tuyển thẳng học sinh Việt Nam, mỗi trường một tiêu chí khác biệt. Một số trường cũng từng tổ chức ngày hội thông tin tại Việt Nam.
Việt Nam là thị trường quan trọng
Ngày càng nhiều trường Úc ưu ái tuyển sinh, cấp học bổng và tổ chức sự kiện dành riêng cho người Việt. Theo bà Rebecca Ball, Tham tán thương mại cấp cao thuộc Cơ quan Thương mại và Đầu tư chính phủ Úc (Austrade), điều này đến từ thực tế hai nước là "những người bạn tốt", và Việt Nam cũng là một trong những thị trường quan trọng của Úc ở khía cạnh giáo dục.
"Úc hiện có hơn 50 ĐH, tổ chức giáo dục bậc cao đang hoạt động tại Việt Nam. Mặt khác, nhiều trường như ANU đang chứng kiến sự phát triển về số lượng sinh viên quốc tế đến từ Việt Nam. Cộng đồng du học sinh Việt tại Úc, vì thế cũng đang ngày càng mở rộng", bà Rebecca Ball nhận định.
Bổ sung góc nhìn, bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM, cho hay học sinh Việt vô cùng chăm chỉ, sáng dạ, tự giác và gắn bó sâu sắc với việc học. Truyền thống hiếu học này khiến các bạn luôn đạt thành tích tốt, và đây là đặc điểm mà những trường ĐH Úc yêu thích.
"Người dân hai nước cũng có nhiều điểm chung giúp chúng ta dễ sống hòa hợp với nhau", bà Sarah Hooper chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên.
Theo bà Sarah Hooper, Úc đang có nhiều chính sách hỗ trợ người học Việt Nam tiếp cận nền giáo dục nước này ở đa cấp bậc, từ phổ thông đến sau ĐH. Cụ thể, chính phủ Úc luôn cấp học bổng toàn phần cho bậc thạc sĩ với mọi chuyên ngành, trường ĐH tại Úc, đồng thời có chính sách thị thực sinh viên rõ ràng, chỉ cần tra cứu trên mạng là có thể biết được đầy đủ từng bước thực hiện.
"Ngoài du học từ đầu, bạn có thể chọn học ở các cơ sở của trường Úc tại Việt Nam như ĐH RMIT, ĐH Western Sydney, ĐH Swinburne hoặc đăng ký chương trình liên kết quốc tế 2+2. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hợp tác đào tạo nghề. Mặt khác, ngày càng nhiều trường THPT Việt Nam đang giảng dạy chương trình giáo dục của Úc, và cũng nhiều học sinh Việt đến Úc học THPT", bà Sarah Hooper thông tin.
Cũng theo bà Sarah Hooper, năm 2023 kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Úc-Việt Nam và giáo dục đã, đang là một phần quan trọng trong mối quan hệ này. Tổng lãnh sự Úc Sarah Hooper kỳ vọng sự hợp tác về mặt giáo dục, thông qua đào tạo người học lẫn tư vấn chiến lược cho ngành giáo dục Việt Nam, sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Úc, hiện có 608.942 sinh viên quốc tế theo học các khóa tại Úc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5.2023. Trong đó, Việt Nam có tổng cộng 23.525 du học sinh, xếp thứ 6 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines.
Bình luận (0)