Lý giải huyền thoại con rồng cháu tiên

13/07/2021 06:05 GMT+7

Với cuốn biên khảo Khai nguyên rồng tiên , những huyền thoại về bọc trăm trứng, về nguồn gốc con rồng cháu tiên được phân tích từ góc độ dân tộc học rất thú vị.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học) bắt đầu cuốn biên khảo Khai nguyên rồng tiên (NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn xuất bản) của mình bằng sự xúc động khi nói tới từ “đồng bào”. “Ý niệm tập thể về nhân dân như là tập hợp thân tộc vĩ đại, cùng nguồn cội - đồng bào, trăm trứng nở trăm con - tựa như là sản phẩm lịch sử vững chắc tồn tại xuyên thời không, đến nay được thừa nhận rộng rãi ở quốc gia Việt Nam hiện đại”, ông Tiến viết.
Từ đó, ông Tiến đặt vấn đề về việc hằng năm mỗi lần đến Giỗ tổ vua Hùng, chúng ta lại thấy việc con rồng cháu tiên đã trở thành di sản tâm thức tập thể của nhân dân Việt Nam ra sao. Trong khi đó, huyền thoại vua Hùng chính thức chỉ được ghi nhận và truyền bản ở thế kỷ 14 - 15 trong Lĩnh Nam chích quái và được chuẩn định trong chính sử Đại Việt sử ký toàn thư. Vậy, huyền thoại về nguồn gốc con rồng cháu tiên có phải là sự vay mượn từ các văn bản truyền thống Trung Hoa như quan điểm của sử gia người Mỹ Kelley từng nêu khi phân tích Hồng Bàng thị truyện hay không?
Lý giải huyền thoại con rồng cháu tiên1

Nguồn gốc bản địa của huyền thoại

Bằng những cắt nghĩa dựa trên khảo cứu các quan niệm về nguồn gốc của nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như người Việt, người Mường, người Tày, người Thái, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến đã cắt nghĩa “khởi nguyên rồng tiên”. Ở đó, có thể thấy dấu vết của niềm tin cha rồng - mẹ tiên của các dân tộc nói trên. Họ có sự chia sẻ chung các vị thần quan trọng như thần Tản Viên/thần núi hay vua Hùng huyền thoại và có những không gian tưởng tượng chung, từ đó mở cửa tâm thức thần thoại. Chẳng hạn, ý tưởng hạt nhân của truyện kể - sự phân ly của 50 người con lên núi theo mẹ, 50 người xuống biển theo cha, có thể được tìm thấy với nhiều biến thể trong văn hóa dân gian Mường…
Những phân tích của nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến xoáy vào thời gian xác định là thế kỷ 15, đã cho thấy nguồn gốc bản địa của huyền thoại con rồng cháu tiên này. Theo đó, quốc gia Đại Việt thời Lê đã là chất liệu bản địa để kiến tạo niềm tin tập thể con rồng cháu tiên, bọc trăm trứng nở trăm con. Ông Tiến từ đó cũng giải thích những không gian chung này trong không gian lớn hơn là tư duy thần thoại cũng như tâm thức các dân tộc ở Đông Nam Á. Ông cũng dò tìm các dấu hiệu cho thấy các nhân vật như thần Tản Viên đều được lưu truyền phổ biến trong tâm thức thần thoại của cư dân Đại Việt chứ không chỉ là sản phẩm tri thức sách vở của giới tinh hoa Nho học được đào luyện theo cảm quan Hán hóa. Chọn thế kỷ 15 làm thời điểm để nghiên cứu, ông Tiến cũng đồng thời chọn đội quân nhà Lê - cũng là đội quân Lam Sơn và vùng đất Thanh Hóa để khảo cứu về sự đa sắc tộc của triều đại, cũng như các dân tộc ở vùng đất Thanh Hóa khi đó. Những khảo cứu nhân học của ông cũng có cả nhánh về phả hệ những người Thái ở Thanh Hóa...
Khai nguyên rồng tiên, vì thế, theo Tao Đàn, là cuốn sách đầu tiên hệ thống cung cấp các dẫn liệu dân tộc học lịch sử về sự trôi nổi của huyền thoại con rồng cháu tiên trong cộng đồng Việt - Mường - Thái. Nó đồng thời cũng thử chú giải cho các sự kiện trong Đại Việt sử ký toàn thư theo góc nhìn tộc người. Từ đó, câu chuyện về vua Hùng, về Lạc Long Quân và Âu Cơ cho thấy những huyền thoại này có nguồn gốc từ cộng đồng đa dân tộc và dấu ấn Đông Nam Á chứ không phải từ các văn bản Trung Hoa như nhiều người nhầm tưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.