Cụ thể, nghiên cứu được nhóm học giả từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tiến hành trên khoảng 1.900 người vừa trải qua tình huống đổ vỡ hôn nhân tại quốc gia Bắc Âu này. Thông qua việc phân tích các khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận chất lượng cuộc sống của những người vừa ly hôn sẽ kém hơn mức trung bình của người dân Đan Mạch.
Tiến sĩ Søren Sander, giáo sư của Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Sức khỏe thể chất và tinh thần của những người vừa ly hôn tệ hơn đáng kể so với người bình thường”.
Theo đó, ông Sander cho hay những người vừa trải qua đổ vỡ hôn nhân khẳng định họ gặp nhiều khó khăn hơn trong sinh hoạt hằng ngày, cơ thể dễ bị tổn thương và sức khỏe thể chất tổng thể cũng có xu hướng tệ hơn.
Nguyên nhân chính của vấn đề này là do tình trạng căng thẳng kéo dài, khiến hệ thống miễn dịch yếu hơn, sức khỏe tim mạch và chất lượng giấc ngủ kém đi,... khiến sức khỏe tổng thể của một người đi xuống, đại diện nhóm nghiên cứu giải thích.
Đồng thời, tiến sĩ Sander nhấn mạnh những thiệt hại về sức khỏe của một vụ ly hôn cũng có thể được xác định thông qua mức độ xung đột của người trong cuộc. Cụ thể, với mối quan hệ ít xung đột, tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một người cũng nhẹ hơn so với những mối quan hệ có mức độ xung đột cao hơn.
“Mức độ xung đột có xu hướng tỉ lệ thuận với những tổn thương về thể chất và tinh thần mà một người trải qua đổ vỡ hôn nhân phải chịu, bất kể họ thuộc giới tính nào”, tiến sĩ Sander cho hay, theo Insider.
Bình luận (0)